|
Mô hình trồng rau công nghệ cao ở Nam Đông |
Ông Lê Văn Thắng ở xã Quảng An (Quảng Điền) cũng như nông dân quê ông không bao giờ quên một thời làm nông hoàn toàn bằng thủ công. Cày đất bằng trâu, cấy lúa, thu hoạch bằng tay… vừa mất công lao động, mất nhiều thời gian mà năng suất và chất lượng sản phẩm không cao. Ông Thắng bảo: “Nhớ lại hồi đó thật sự là nỗi ám ảnh với nhà nông”.
Sự chuyển biến của ngành nông nghiệp có thể bắt đầu từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Trong bộn bề gian khó, ông Thắng được cán bộ khuyến nông tiếp cận, về làm mô hình trồng lúa chất lượng cao thí điểm, rồi “ăn ngủ” cùng dân, “bắt tay chỉ việc” giúp nông dân thay đổi tư duy, trình độ canh tác lúa, hoa màu.
Khi có giống mới, biết ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân nghĩ đến việc mua sắm trang thiết bị, máy móc cơ giới đưa vào sản xuất để giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả sản xuất tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Từ đó, máy cày tay, máy gặt lúa, gieo sạ… bắt đầu xuất hiện trên đồng ruộng thay những con trâu, cái liềm thủ công.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhà nông tiếp tục tìm cho mình một hướng đi mới, hiện đại hơn bằng cách đầu tư mua sắm máy cấy lúa, gieo sạ, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Có được máy móc hiện đại, hoạt động khuyến nông tỉnh tận dụng lợi thế giúp nông dân nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt mới, trong đó phải kể đến cánh đồng mẫu lớn, rồi cánh đồng lớn với các giống lúa chất lượng cao.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi chia sẻ, quá trình phát triển của hoạt động khuyến nông được chia làm nhiều thời điểm nhằm phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, năng lực, trình độ của nông dân tại mỗi giai đoạn khác nhau. Khoảng năm 1993 - 2007, hệ thống khuyến nông tập trung hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường. Thời gian này, cán bộ khuyến nông bám cơ sở, “cùng ăn, cùng ở” với nông dân để giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất.
Nhiều mô hình mới có triển vọng được triển khai thông qua các chương trình, dự án trọng điểm như trồng cao su tiểu điền, vùng nguyên liệu sắn. Không ít mô hình thực hiện thành công và hiệu quả, như sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp. Mô hình hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, lạc, dưa hấu… Các chương trình cải tạo bò vàng, vỗ béo bò thịt, nuôi lợn thâm canh, chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần kiểm soát và khống chế dịch bệnh hiệu quả; chương trình khí biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi và mô hình nuôi tôm sú, thủy sản mặn, lợ… Các hoạt động khuyến nông đã tạo được bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thêm ngành hàng trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Khi tư duy, trình độ canh tác của nông dân vươn tầm cao mới, yêu cầu đặt ra với hoạt động khuyến nông cũng phải có sự thay đổi đáp ứng yêu cầu mới. Giai đoạn 2008- 2018, khuyến nông tập trung triển khai các mô hình cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, an toàn thực phẩm. Hàng loạt mô hình từ đó hình thành và phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, như khảo nghiệm giống lúa mới có triển vọng, thâm canh lạc, nuôi lợn, gà an toàn trên đệm lót sinh học, nuôi gà Ai Cập lấy trứng, gà thịt thả vườn, thụ tinh nhân tạo bò, nuôi thủy sản xen ghép…
Trước yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, buộc ngành nông nghiệp phải nghiên cứu, tạo ra các mặt hàng nông sản đảm bảo số lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm có thể hướng đến xuất khẩu. Trong vòng năm năm trở lại đây, khuyến nông tỉnh đã có nhiều sự chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận khi xây dựng thành công và từng bước nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, nông sản hữu cơ, VietGAP… Nhiều mô hình không chỉ mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cơ giới hóa sản xuất...
Ông Châu Ngọc Phi liệt kê dẫn chứng hàng loạt mô hình nông nghiệp thí điểm, trình diễn phù hợp với xu thế mới hiện nay, như mô hình trồng lúa “ba giảm, ba tăng”, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, thụ tinh nhân tạo giống bò lai, mô hình nuôi cua gạch gắn với tiêu thụ sản phẩm, nuôi cá tầm ở A Lưới… Trong đánh bắt hải sản xa bờ còn có các mô hình ứng dụng máy dò ngang Sonar, hầm bảo quản hải sản công nghệ CPF.
Trước yêu cầu phát triển, hoạt động khuyến nông cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhưng vẫn có nhiều lợi thế, cơ hội trong phát triển. Khoa học, kỹ thuật đang ngày càng phát triển là cơ hội lớn cho hoạt động khuyến nông tiếp thu, ứng dụng và chuyển giao cho nhà nông. Sự hỗ trợ tích cực của khuyến nông Quốc gia và các tổ chức phi Chính phủ tạo điều kiện tăng thêm nguồn lực kinh phí và năng lực cho khuyến nông.
Nông dân chính là chủ thể trong nông nghiệp, nông thôn đang có nhiều chuyển biến nhận thức, tư duy sản xuất ngày càng đổi mới, hiện đại, biết ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp… tổ chức sản xuất sẽ sát cánh cùng với khuyến nông tạo nên cơ hội, thành quả mới trong nông nghiệp, nông thôn trước yêu cầu mới.