Kênh mương bằng bờ lô dễ bị hư hỏng, xuống cấp
Lạc hậu, xuống cấp
Thủy lợi được xác định có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) kết hợp với ứng phó lũ lụt, hạn hán của huyện Quảng Điền trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện Quảng Điền đầu tư hàng trăm tỷ đồng, từng bước xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu SXNN. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng và ảnh hưởng bão lũ, nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng; một số công trình lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu SXNN và tiêu thoát lũ.
Ông Hà Tân, Giám HTXNN Thắng Lợi thông tin, trong các trận lũ lớn hằng năm làm nhiều đoạn kênh mương nội đồng trên địa bàn bị hư hỏng nặng, địa phương và Nhân dân tốn nhiều công sức, kinh phí sửa chữa tạm thời để phục vụ sản xuất. Hầu hết công trình kênh mương được xây dựng từ nhiều năm trước chủ yếu bằng bờ lô, không bền vững, dễ bị hư hỏng, xuống cấp. Hệ thống kênh mương, cống rãnh không đáp ứng yêu cầu tiêu thoát lũ nên một lượng bèo khá lớn từ các kênh rạch, sông và đầm phá trôi dạt vào các xứ đồng gây nhiều khó khăn cho nông dân trong xử lý, canh tác.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ đánh giá, hệ thống kênh mương xây bằng bờ lô không bền vững, đều bị xuống cấp, hư hỏng. Địa phương trích kinh phí dự phòng, tập trung khắc phục, gia cố tạm thời hệ thống kênh mương, thủy lợi nhỏ trên địa bàn. Đồng thời, huy động dân ra quân nạo vét kênh mương, đồng ruộng bị bồi lấp, xử lý bèo trên các xứ đồng. Chính quyền địa phương và Nhân dân kiến nghị cấp trên sớm đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, kênh mương đảm bảo yêu cầu SXNN một cách bền vững.
Hệ thống kênh mương, cống cấp, thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng không đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khẩu độ các cống xây dựng nhiều năm trước đến nay đã lạc hậu; một phần do lượng lớn bèo tây trôi dạt, tồn đọng trên cống rãnh, kênh mương chưa được xử lý kịp thời, làm nguồn nước tù đọng, khó lưu thông gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên thủy sản nuôi, gây thiệt hại lớn.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh cho biết, nhiều hệ thống kênh mương, thủy lợi trên địa bàn huyện bị lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu ứng phó BĐKH. Một số tuyến đê kè quan trọng như đê kết hợp đường giao thông Nho Lâm - Nghĩa Lộ, đoạn qua xã Quảng Phú và Quảng Thọ; đê kênh Diên Hồng, xã Quảng Phước và thị trấn Sịa... thường bị sạt lở, hư hỏng nặng trong các trận lũ lụt hằng năm.
Hướng đến kiên cố, bền vững
Cùng với hệ thống kênh mương, đê kè... nhiều công trình cống trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng không đảm bảo tiêu, thoát lũ trong khu dân cư. Quy mô khẩu độ, cửa cống bị hẹp nên khả năng thoát lũ rất chậm, gây ngập lụt kéo dài tại các địa phương. Qua nhiều năm sử dụng, kết hợp bão lũ khiến một số công trình cống bị xuống cấp, lún sụt, nứt vỡ. Nước lũ tại nhiều xứ đồng thường tiêu thoát chậm, ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa vụ đông xuân.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo chia sẻ, do đặc thù vùng thuần nông nên nguồn thu ngân sách hằng năm của huyện khá thấp. Kinh tế, đời sống người dân còn khó khăn nên huyện, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong huy động kinh phí kiên cố hóa các công trình. Thường sau các trận bão lũ hằng năm, các địa phương chỉ có khả năng đầu tư sửa chữa tạm thời công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản.
Ông Bảo nhận định, để xây dựng kiên cố, nâng cấp các công trình kênh mương bị hư hỏng cần đến 40-50 tỷ đồng; riêng cống Phú Lương A và các cống tiêu thoát lũ, cấp nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cần đến hơn 100 tỷ đồng. Trong khi ngân sách huyện có hạn, khó có khả năng đầu tư xây dựng các công trình.
Các địa phương cùng với ngành nông nghiệp đang tập trung rà soát, đánh giá tổng thể các công trình kênh mương, thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn huyện. Trước mắt, huyện ưu tiên sửa chữa, nâng cấp các công trình quy mô nhỏ, nguồn kinh phí nằm trong khả năng của huyện và các địa phương. Về lâu dài, huyện nghiên cứu và đề xuất tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố hóa bền vững các công trình thủy lợi vừa, lớn theo hướng đa mục tiêu. Các công trình được xây dựng kiên cố, bền vững, đảm bảo phục vụ sản xuất, cấp nước tưới lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản kết hợp tiêu, thoát lũ nhanh trong điều kiện ứng phó BĐKH, lũ lụt, hạn hán đang diễn biến khó lường.
Tại buổi tiếp dân vào cuối năm 2021, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - ông Lê Trường Lưu ghi nhận những đề xuất của lãnh đạo huyện, xã và Nhân dân các địa phương trong xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi, đê kè một cách bền vững, đa mục tiêu; đảm bảo phục vụ sản xuất, kết hợp ứng phó BĐKH, ổn định cuộc sống Nhân dân. Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu huyện Quảng Điền, các ban ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, lập dự toán xây dựng các công trình một cách cụ thể và trình tỉnh có biện pháp giải quyết.
Bài, ảnh: Hoàng Triều