ClockThứ Tư, 03/06/2020 20:45

Đầu tư thủy lợi, ứng phó hạn mặn

TTH.VN - Chiều 3/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi họp nghe báo cáo tình hình chống hạn vụ hè thu và đề xuất các công trình thủy lợi trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hơn 2.000 ha bỏ hoang

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, cao điểm nắng nóng năm 2020 xuất hiện vào tháng 5 và tháng 6 với trung bình mỗi tháng 3-4 đợt, có đợt nhiệt độ cao nhất đạt 38-40 độ C. Dự kiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra phức tạp.

Nhiều vùng đất nguy cơ xâm nhập mặn, phải bỏ hoang

Toàn tỉnh có 2.700 ha không chủ động nguồn nước tưới của vụ hè thu, các  địa phương đã có kế hoạch chủ động chuyển đổi sang các loại cây trồng khác 522 ha; diện tích còn lại hơn 2.000 ha phải bỏ hoang, tập trung chủ yếu vùng bán sơn địa, gò đồi. Từ nay đến cuối vụ hè thu năm 2020, diện tích lúa đã gieo cấy có khả năng thiếu nước khoảng gần 1.700 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Trong đó, Công ty TNHH NNMTV QLKT công trình Thủy lợi tỉnh đảm nhiệm tưới hơn 1.000 ha, diện tích còn lại do các HTX đảm nhiệm.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra các vùng bị hạn, thiếu nước chỉ đạo các địa phương triển khai mọi giải pháp có thể để chống hạn cho cây lúa và hoa màu. Các địa phương đã thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước và đối với các vùng không chủ động nguồn nước phải chuyển sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày hoặc bỏ hoang tránh thiệt hại. Đối với diện tích 1.700 ha lúa có  nguy cơ thiếu nước, các địa phương đã bố trí cây ngắn ngày, tưới tiết kiệm nước, tưới luân phiên và triển khai nạo vét các kênh mương, ao hồ, các  tuyến kênh chính.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH NNMTV QLKT công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế đánh giá, hiện nay đơn vị được tỉnh giao quản lý 218 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20 nghìn ha/vụ. Mực nước tại các lòng hồ lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ở mức thấp. Có 15 hồ do công ty quản lý, trong đó cạn khô đáy như Tà Rinh (Nam Đông), A Lá (A Lưới), Phú Bài (Hương Thủy) còn 17-20%, các hồ còn lại từ 20-30%. Với tình hình như trên, công ty phối hợp các địa phương đã rà soát lại nguồn nước và khuyến cáo người dân có cách tưới phù hợp. Trong đó, tập trung vùng gò đồi Phong Điền và A Lưới. Đơn vị đã chủ động đắp đập tạm,  huy động 9 máy bơm đầu để bơm nước phục vụ tưới tiêu cho diện tích khô hạn Nam Đông, A Lưới...

Tập trung đầu tư thủy lợi

Đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi phòng chống hạn mặn (thi công nâng cấp hồ Thọ Sơn)

Trong tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp, sửa chữa trạm bơm Phong Sơn, Đông Vinh, Vinh Phú, Chương- Bình của huyện Quảng Điền, Phong Điền; dự án nâng cấp sửa chữa các trạm bơm chống hạn Tây Nam Hương Trà...

Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất UBND tỉnh trình các bộ, ngành trung ương hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi với tổng kinh phí khoảng 83 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành địa phương phải tập trung đầu tư, khắc phục hệ thống thủy lợi, phải rà soát, xác định lại và có con số diện tích cụ thể vùng nào thiếu nước, bỏ hoang do khó khăn về thủy lợi để có phương án đầu tư phù hợp, tránh lãng phí. Xây dựng kế hoạch ứng phó hạn, mặn theo kịch bản xấu nhất và kết hợp với phong trào “chủ nhật xanh” vớt bèo, rác trên kênh hói nhằm khơi thông dòng chảy; tập trung các giải pháp trước mắt để “cứu” 1.700 ha lúa đang đối diện với nguy cơ thiếu nước; ngành kế hoạch- tài chính các địa phương phải có kế hoạch cân đối ngân sách khoản trung hạn đầu tư, duy tu cho kênh mương, không nên chờ từ nguồn tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT tiến hành điều tra, khảo sát vùng khó khăn về nguồn nước ở các địa phương để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quy mô dự kiến hơn 700 ha rau và hơn 1.800 ha quả thuộc dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp ngành hàng rau và quả với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng đã được Bộ NN&PTNT và Ngân hàng ADB ủng hộ.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO

Các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo và có mục tiêu hướng đến sự phát triển đang được chú ý hơn bao giờ hết, điều này được nhấn mạnh bởi sự tham gia ngày càng tăng vào Diễn đàn Đầu tư Hand-in-Hand năm 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Lương thực thế giới (WFF), đang được tổ chức từ ngày 14 - 18/10 tại thủ đô Rome, Italy.

Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO
Return to top