Đã vào thời kỳ thả nuôi vụ hè nhưng rất nhiều hồ tôm dọc vùng cát các địa phương ven biển vẫn “án binh bất động”, người nuôi “bó gối” giữa cái nắng hanh hao xứ cát.
Từ cao trào đến... phấp phổng
Gần hai chục năm trước, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt phát triển thì những “đại công trường” nuôi tôm trải dài khắp các vùng biển. Các hộ dân thả những con giống đầu tiên hồ hởi, họ được xem như đại diện cho những cuộc làm ăn lớn ngay ở vùng đất nghèo khó, quanh năm chỉ thấy gió và cát. Khi ai đó đào hồ thả tôm thì người này người kia chỉ trỏ, thèm muốn.
Và “cuộc chơi lớn” ấy vẫn duy trì cho đến hôm nay với những biến chuyển, thăng trầm. Hàng loạt hồ tôm mọc lên với mỗi năm hai vụ nuôi, gồm vụ hè và vụ đông. Có người trúng, kẻ trắng tay nhưng cho dù thế nào họ đều đánh cược tất cả vào đuôi tôm.
Người dân vùng ven biển huyện Phú Lộc liên kết đầu tư mở hồ tôm mới
Người nuôi tôm Phú Lộc kiểm tra hệ thống đường ống cấp nước mặn
|
Một hộ nuôi mạnh dạn thả nuôi tôm vào vụ hè tại xã Phong Hải
Vậy thuở sơ khai, họ có những gì để dám liều?! Nếu bỏ qua chuyện vốn liếng thì kiến thức chuyên môn của đa số người nuôi đều thuộc vào dạng học lỏm. Học nhiều thành khôn. Theo thời gian, bây giờ, người nuôi mặc định rằng con tôm chân trắng khó sống trong vụ hè.
Dọc vùng cát các địa phương ven biển thời điểm này, không khó để nhận thấy “tàn tích” một thời. Nhiều hồ tôm chỉ còn là vũng đất bạc màu, trại canh của người nuôi xơ xác, tiêu điều, rêu phủ xanh tường.
“Những hố đất bỏ hoang đó trước đây là những hồ tôm. Họ nuôi thất bại, nợ nần chồng chất nên bỏ của chạy lấy người”, một người nuôi tôm thuê tại vùng cát Phong Hải (huyện Phong Điền) nói.
Thành - một người nuôi tôm ở vùng cát thôn Hải Đông (xã Phong Hải) có gương mặt rám nắng khoảng chừng 35 tuổi nhưng anh tự nhận mình là một trong những người đầu tiên mang con tôm thẻ chân trắng về vùng cát này.
Vào vụ hè, nhiều thiết bị nuôi tôm đắp bạt
Khu nuôi khoảng 10 hồ của anh bây giờ chỉ thả nuôi 3 hồ, số còn lại bỏ không, có hồ cây cỏ um tùm. Máy móc, thiết bị dùng để nuôi tôm được phủ trên tấm bạt hoen ố, bạc màu.
Hỏi chuyện nuôi tôm thời điểm này, anh trả lời ngay: “Mùa ni ai mà nuôi, đây là mùa dịch bệnh, nuôi là lỗ”. Lời khẳng định của Thành khiến tôi nghĩ ngay đến 3 hồ tôm quạt sục khí đang chạy trắng mặt nước. Tôi nhẩm tính sơ sơ: Với 3 hồ nuôi, mỗi hồ chi phí thức ăn, thuốc men khoảng 400 triệu đồng; tiền nhân công 60 triệu đồng, điện nước 50 triệu đồng. Nếu “rớt” coi như anh Thành lỗ với số tiền không hề nhỏ.
“Nuôi vụ hè cho đỡ buồn tay buồn chân, đồng thời giữ nhân công chứ lãi khó lắm”, anh Thành giải thích.
Quạt sục khí phục vụ nuôi tôm “bất động”
Khó có lãi nên nhiều hồ tôm hiện đang bỏ hồ không. Trong số đó, không ít hồ bóng dáng người chủ mất dạng. Qua nhiều thăng trầm, chuyện nuôi tôm quả rất khó nói. Nếu ai đó trúng đậm vài tỷ đồng/vụ tiếng vang vượt khỏi vùng cát, còn thất bát thì như gió thoảng mây trôi.
Ông H.Q. (xã Phong Hải), một trong những người “cả gan” dốc hết vốn liếng đầu tư mấy hồ tôm vào thời điểm vùng cát còn một màu bạc thếch. Qua vài mùa tôm, lỗ nhiều hơn lãi, cụt vốn đầu tư, ông phó mặc hồ cho đất trời. Chủ những đại lý thức ăn theo đó cũng khốn đốn, chỉ còn cách “xiết” hồ thay tiền.
Trường hợp như ông Q. không chỉ có một, gặp lại P.V.T (xã Điền Hòa, Phong Điền) sau hơn 5 năm anh giã từ tôm thẻ chân trắng. Anh bây giờ chuyển nghề, chuyện nuôi tôm chỉ còn là ký ức. Trước đây, có những vụ hè khi anh thả nuôi mấy vạn con giống, chỉ sau nửa tháng tôm chết hàng loạt. Có vụ, tôm đã lớn bằng đầu ngón tay út cũng mất trắng, rồi cụt vốn, nợ nần.
Một hồ tôm bỏ không vụ hè tại vùng nuôi thôn Hải Đông, xã Phong Hải
“Chừ người nuôi cẩn thận hơn trước, vụ hè ít người thả tôm. Hồ phơi nắng rất nhiều. Vì khó nuôi dẫn đến lỗ nhiều lần nên người nuôi thường gọi vui vụ này là vụ của dịch bệnh, nhưng dịch hay không thì ít người dám khẳng định bởi có trường hợp nuôi tôm vẫn đạt”, T. chia sẻ.
Thất bát, phơi hồ nhưng với nhiều người vùng cát nuôi tôm vẫn là cách làm giàu nhanh chóng, dẫu độ may rủi thì ai cũng hiểu. Hè đến, điệp khúc… phơi hồ cứ diễn ra. “Người nuôi thất bát thường bán hồ để trả nợ. Nhưng bán được hay không là chuyện khác. Trong số những người muốn đầu tư mới vào con tôm rất ít người dám mua lại những hồ từng thất bát, xảy ra dịch bệnh. Hiện, giá một hồ nuôi chưa trải bạt, đầu tư trang thiết bị… đã hơn 200 triệu đồng. Không ai dại đầu tư số tiền lớn vào đó - những hồ tôm có “tiền sử” thất bát”, anh Hồ Chưởng, người nuôi tôm ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) nói.
Và như thế, trong những vùng nuôi bạt rách như bươm sẽ có không ít hồ “chết” lặng theo thời gian…
Bài toán công nghệ và lời giải đầu ra
Mang chuyện người nuôi tôm “thả tay” vụ hè, trao đổi những nhà chuyên môn, họ đều bảo đó là thực trạng chung của những hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đa số người nuôi chỉ chờ thả vụ đông, vụ hè hồ tôm đa phần bỏ không.
Người nuôi kiểm tra lượng thức ăn dư thừa của tôm
Tiến sĩ Mạc Như Bình, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm Huế chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến dân nuôi tôm “sợ” vụ hè: Mùa hè nền nhiệt cao, tôm thẻ là đối tượng nhạy cảm với nhiệt độ môi trường nên khó phát triển; nếu xảy ra dịch bệnh khả năng lây lan rất nhanh; mực nước tại những hồ nuôi khá thấp, vào mùa hè không chủ động được nguồn nước cấp nên không đảm bảo; nhiều hộ nuôi thất bại khiến việc tái đầu tư gặp khó khăn…
“Nói như tiến sĩ thì người nuôi tôm “bó tay” không có cách để đối phó vụ hè” – tôi cắc cớ.
Tiến sĩ Bình đưa ra ngay ví dụ của bản thân ông về câu chuyện nuôi tôm bằng công nghệ nano để giúp tôi hiểu. Ông bảo, vụ hè những hồ nuôi tôm theo công nghệ nano của ông đã thành công. Tại các tỉnh, thành phía Nam, thời tiết khác biệt với Thừa Thiên Huế, nên vụ hè là vụ chính của họ. Nhưng ngay tại dải đất ven biển trong tỉnh, việc nuôi tôm vụ hè không phải không làm được, nhiều vùng nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn nuôi tốt.
Rất ít người nuôi thả tôm vụ hè
Người nuôi ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải chăm sóc tôm
|
“Đa số những hồ nuôi của các hộ nuôi tôm thông thường thiết kế mực nước hồ thấp so với mực nước đúng tiêu chuẩn là từ 1,4-1,5m. Do vậy vào mùa nắng, hạn chế nguồn nước cấp dẫn đến là bài toán khó giải. Đồng thời, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến tình trạng lây lan nhanh của dịch bệnh. Điều quan trọng, người dân vẫn chưa ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm… Muốn làm được tất cả những điều đó, người nuôi phải thay đổi tư duy thiết kế hồ nuôi đúng tiêu chuẩn, và buộc phải cải tạo hồ lại ngay từ đầu”, ông Bình nói.
Giá tôm thấp là một trong những nguyên nhân khiến người nuôi “sợ” vụ hè (trong ảnh: Thu hoạch tôm tại huyện Phong Điền)
Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ là cách để người nuôi dễ dàng quản lý được dịch bệnh. Các cơ quan chức năng thường khuyến cáo người nuôi tôm như thế. Trong một lần trao đổi với bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, bà cho rằng người dân vẫn chưa mạnh dạn và đến bây giờ vẫn “đóng khung” độ an toàn vào vụ đông, vụ hè không dám nuôi vì sợ lỗ.
Khảo sát người nuôi, không chỉ dịch bệnh triền miên, giá tôm nuôi mùa nắng nóng thường rất thấp. Theo bà Trần Thị Bé, thương lái thu mua tôm ở vùng Ngũ Điền, lý do tôm vụ hè giá thấp vì tiêu thụ kém. Hầu hết tôm nuôi của người dân đến nay chưa thể xuất khẩu do chất lượng, kích cỡ chưa đạt yêu cầu nên chủ yếu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên vào thời điểm mùa hè ít diễn ra các lễ hội, liên hoan, tiệc cưới khiến thị trường tiêu thụ tôm rất kém, giá tôm thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân “phơi hồ” vào vụ hè.
Người nuôi tôm đang phát triển thiếu bền vững, cứ đến mùa tháng 3, tháng 4, chính quyền các địa phương lại khuyến cáo người dân cần tránh thả nuôi nhằm tránh thiệt hại. Hồ nuôi phơi nắng có thể sẽ lãng phí. Ai cũng nhận ra tương lai cần phải thay đổi khi diễn biến khí hậu đang ngày một phức tạp. Và nếu không giải quyết được bài toán công nghệ, điệp khúc phơi hồ vẫn cứ diễn ra không có hồi kết.
Nội dung: LÊ THỌ - HẢI TRIỀU
Thiết kế: QUANG THIỀU