Ép bàng bằng máy giúp tăng sản lượng nhiều lần so với cách làm truyền thống
Đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, mặt hàng chính của Công ty TNHH Maries (TP. Huế) là hàng lưu niệm và quà tặng từ cây cỏ bàng, thực hiện ở thôn Đông Mỹ (Phong Bình - Phong Điền).
Qua thời gian ngắn hoạt động, sản phẩm của Công ty TNHH Maries nhanh chóng tạo dựng niềm tin với khách hàng và có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các thành phố lớn, thành phố du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Hồ Thị Sương Lan – Giám đốc Công ty TNHH Maries, do đa phần làm thủ công nên hiệu quả sản phẩm mang lại chưa như mong muốn bởi phải tốn nhiều công sức cho các công đoạn: cắt, cán, nhuộm và bảo quản.
Giải quyết hạn chế này, mới đây, Công ty TNHH Maries đã đầu tư máy ép và máy sấy cây cỏ bàng với tổng kinh phí gần 170 triệu đồng, trong đó, vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ 55 triệu đồng.
“Máy ép giúp tăng hiệu suất lao động gấp khoảng 5 lần, dự kiến có thể ép được 200kg cỏ bàng/giờ, còn máy sấy giúp người lao động sấy khoảng 50kg cỏ bàng/giờ và có thể sấy cả những khi trời mưa. Việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất sẽ giúp sản lượng tăng từ 3-4 lần so với trước. Đây chính là cơ sở để công ty hướng đến việc xuất khẩu các mặt hàng từ cỏ bàng ra các nước như Canada, Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ...”, bà Hồ Thị Sương Lan chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, những sản phẩm của Công ty TNHH Maries không chỉ góp phần tạo ra sự đa dạng các ngành nghề nông thôn mà còn là tiền đề kéo theo sự phát triển về lĩnh vực nông lâm nghiệp, giúp mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa mẫu mã, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người lao động. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, sản lượng, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, góp phần phát huy thế mạnh truyền thống của làng nghề đệm bàng xã Phong Bình.
Doanh nghiệp tư nhân sản xuất gia công thương mại Tường Long (DN Tường Long) ở huyện Nam Đông chuyên sản xuất gạch không nung cùng các hoạt động kinh doanh về vận tải, cung cấp vật liệu xây dựng. Vừa qua, DN Tường Long đầu tư 540 triệu đồng mua thêm một số máy móc hiện đại để tăng hiệu quả sản phẩm, trong đó, vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ gần 160 triệu đồng để mua máy ép gạch Terrazzo 2 đầu và máy mài gạch 3 đầu.
Theo bà Huỳnh Thị Trang – Giám đốc DN Tường Long, việc hỗ trợ vốn đầu tư máy móc hiện đại giúp DN tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Cũng theo bà Trang, bên cạnh giải quyết việc làm, tăng doanh thu, việc ứng dụng máy móc hiện đại còn góp phần tạo lợi thế đầu ra cho sản phẩm sau này, qua đó góp phần tăng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đông.
Thực tế cho thấy, công tác khuyến công những năm qua tăng về quy mô, kinh phí và được thực hiện đều khắp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Đây là động lực giúp các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn vững tin hơn trong quá trình đầu tư chuyển đổi các công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sở tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thị trường thông qua các hội chợ trong, ngoài nước; hỗ trợ DN đưa hàng vào siêu thị, đẩy mạnh bán hàng qua mạng… nhằm giúp các sản phẩm của DN lan tỏa rộng hơn.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG