ClockThứ Năm, 06/04/2023 06:33

Gập ghềnh nông sản vào siêu thị

TTH - Nếu một số nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng, mẫu mã, nguồn gốc… thì ở chiều ngược lại, mức chiết khấu cùng một số nhiêu khê khi ký hợp đồng, khiến việc đưa sản phẩm lên kệ ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Nông sản ở chợ khó “trà trộn” vào siêu thị của HuếRất ít & quá ít

leftcenterrightdel
 Mặt hàng rau, củ, quả ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nhập từ Đà Lạt và một số tỉnh, thành phía bắc

Nhiều rào cản

Xã Quảng Thành (Quảng Điền) được xem là một trong những vựa rau lớn của Huế. Tuy nhiên, lượng rau, củ, quả có mặt ở các siêu thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập từ Đà Lạt và một số tỉnh, thành phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Đình Loan – Giám đốc HTX Kim Thành (xã Quảng Thành), rau của HTX nói riêng, Quảng Thành nói chung chủ yếu là rau màu, rau ăn lá, số lượng siêu thị nhập vào rất ít, chỉ từ 10-20kg/ngày. Một phần do là loại rau tiêu thụ trong ngày, một phần, diện tích trồng rau ở Quảng Thành nếu so với nhiều tỉnh, thành khác không đáng kể, dẫn đến khó đảm bảo cung cấp cho các siêu thị liên tục với số lượng lớn trong thời gian dài.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, nếu một số tỉnh, thành phía Bắc và Đà Lạt thời tiết ổn định, giúp các loại rau, củ, quả phát triển tốt, lượng hàng đảm bảo thì thời tiết ở Huế khá thất thường, người trồng rau thường xuyên đối mặt với bão lụt, hạn hán khiến nhiều loại rau không thể sinh trưởng, phát triển đồng đều, rất khó cung cấp rau đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng lẫn số lượng cho siêu thị nếu ký hợp đồng với số lượng lớn. Từ những yếu tố trên, cả siêu thị lẫn người trồng rau ở Quảng Thành không mấy mặn mà với chuyện đưa sản phẩm vào siêu thị.

leftcenterrightdel
 Rau ở Quảng Thành nói riêng, Quảng Điền nói chung chủ yếu là rau ăn lá, tiêu thụ trong ngày

Dù thanh trà Thủy Biều đã được đăng ký thương hiệu từ năm 2007, nhưng đến nay, loại quả đặc sản nổi tiếng của Huế vẫn đứng ngoài hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy Biều, quá trình đưa hàng vào siêu thị quá nhiêu khê, mất nhiều công đoạn, thủ tục. Ở một nguyên nhân khác, ông Nguyễn Cửu Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa cho hay, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thanh trà toàn tỉnh, nên thanh trà Dương Hòa nói riêng, toàn tỉnh nói chung phải đợi hoàn tất mọi thủ tục, từ đó thực hiện các bước tiếp theo để đưa loại trái đặc sản này “lên kệ”. Tức là vẫn phải chờ thêm một thời gian.

Ở góc độ khác, để đứng chân ở siêu thị, thanh trà phải hội đủ một số điều kiện, như: trồng theo quy trình VietGAP, đạt yêu cầu về kích cỡ, trọng lượng, nguồn gốc… Trong khi lúc vào mùa, hầu hết người trồng thanh trà đều có thương lái đến tận nơi hỏi mua, và mua nguyên cây, nguyên vườn. Nên dù giá bán có thấp đôi chút nhưng mua bán thuận tiện, người trồng không phải đi xa. Còn khi bán cho siêu thị thì chỉ bán được những trái đạt tiêu chuẩn đơn vị thu mua đưa ra, số thanh trà còn lại người trồng buộc phải bán lẻ rất mất thời gian và đối diện rủi ro khi không quen những mối mua lẻ.

“Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương trồng thanh trà theo hướng VietGAP, đưa thanh trà vào siêu thị, qua đó giúp loại trái cây đặc sản tạo dựng, nâng tầm thương hiệu, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Nhưng ngoài một số vướng mắc đã nêu, chi phí phân, thuốc, công chăm sóc… trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống, trong khi đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa biết giá siêu thị bao tiêu là bao nhiêu, có bù đắp được chi phí đầu vào, có sinh lợi đáng kể hay không”, ông Ngô Vân, một hộ trồng thanh trà chia sẻ.

Tại cả đôi đường...

Theo Sở Công thương, hiện một số sản phẩm đặc sản, OCOP địa phương như: mật ong ruồi Nam Đông của hộ kinh doanh Diệp Minh Khanh; trà hoa sâm, gà tần sâm, sâm khô cắt lát, sâm bột, sâm tươi cắt lát của Công ty TNHH SBC Hoàng Gia… đã được siêu thị GO! Huế chấp nhận các yêu cầu về hồ sơ, mẫu mã, thủ tục... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 và một số điều kiện khách quan nên công tác thẩm định của Trung tâm thu mua - Tập đoàn Cetral Retail tại Việt Nam vẫn chưa được phúc đáp kết quả.

Ông Bùi Quang Tý – chủ cơ sở mật ong ruồi Diệp Minh Khanh (sản phẩm OCOP của huyện Nam Đông) cho hay, sản phẩm của cơ sở đã có mặt trên kệ của siêu thị Co.op Mart Huế khoảng 1 năm nay, nhưng chưa chen chân được vào siêu thị GO! Huế dù đáp ứng đầy đủ mọi thủ tục, giấy tờ liên quan. “Nguyên nhân một phần do thay đổi chủ sở hữu…, nhưng mấu chốt, siêu thị GO! Huế không mặn mà với sản phẩm của cơ sở”, ông Tý nói.

Chị Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản an toàn (thôn Pâr Nghi, xã A Ngo, huyện A Lưới) cho hay, HTX trồng khoảng 20ha chuối già lùn, mỗi tháng thu hoạch từ 6-7 tấn. Thời điểm 2018-2019, ngoài cung cấp cho một số ít nhà hàng, quán ăn ở TP. Huế, nguồn bao tiêu chủ yếu của HTX là siêu thị GO! Huế. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nhất là năm 2022, lượng chuối nhập cho GO! Huế giảm mạnh, khoảng 1/10 trước đây. Nguyên do, cây chuối bước vào thời kỳ thoái hóa, cho quả không đạt yêu cầu về kích cỡ, hình dáng...

Có thể thấy, việc một số nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của Huế vẫn chưa thể chen chân vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh là do các doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ ít; không đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, chất lượng; lượng sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa cạnh tranh được với các sản phẩm khác cùng loại ở nơi khác, không đáp ứng được nhu cầu của siêu thị khi có đột biến về số lượng đặt hàng; không thỏa thuận được về giá bán, chiết khấu, điều kiện ký gửi, đổi trả hàng hóa...

Ở chiều ngược lại, các siêu thị không có nhu cầu tiêu thụ đối với một số sản phẩm của doanh nghiệp. Trong quá trình diễn ra hoạt động kết nối tại hội chợ, triển lãm, hội nghị..., các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... chỉ hướng dẫn các thủ tục để kết nối chứ chưa chú trọng tìm kiếm, xác định sản phẩm để kết nối, đàm phán. Và quan trọng là hầu hết các siêu thị không cử đại diện quyết định được những vấn đề liên quan đến việc kết nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm...

Đưa nông sản vào siêu thị là “mục tiêu kép”, giúp nâng tầm thương hiệu và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa triệt để mục tiêu này, cần có giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi; có mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu; đầu tư mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm; thành lập các nhóm hộ, HTX và lên kế hoạch tổ chức sản xuất bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ… để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn… theo nhu cầu hiện nay.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top