ClockThứ Ba, 22/09/2020 07:00

Gấp rút thu hoạch thủy sản

TTH - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Văn Giang thông tin: Từ đầu tháng 9 đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang triển khai vận động các hộ tiến hành thu hoạch thủy sản; kể cả các loại thủy sản chưa đạt kích cỡ, trọng lượng theo yêu cầu cũng phải thu hoạch, chấp nhận bán giá thấp hơn, tránh thiệt hại do bão, lũ.

Người nuôi cá lồng, tôm chân trắng gặp khó sau bão

Thu hoạch tôm trên cát ở Phong Điền

Khẩn trương

Mấy ngày nay, ông Võ Văn Luyến ở thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) đang tiến hành thu hoạch bốn lồng cá nuôi.

Cá trắm đạt kích cỡ, trọng lượng từ 5kg trở lên nên được thương lái mua với giá ổn định, cao hơn những năm trước. Giá dao động từ 100-120 ngàn đồng/kg. Một số ít cá còn lại có kích cỡ, trọng lượng nhỏ cũng được ông Luyến thu hoạch bán, chấp nhận giá thấp hơn, tránh thiệt hại do bão, lũ.

Ông Võ Đợi, Trưởng thôn Hòa Phong thông tin, nuôi cá lồng trên sông Đại Giang từ lâu trở thành thế mạnh giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhiều hộ dân.

Đến nay, toàn thôn có 270 lồng với có 80% hộ nuôi. Một vài năm đầu nuôi cá lồng, người dân thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) mất trắng do không chủ động thu hoạch trước bão lũ.

Từ nhiều năm nay, người dân chủ động xây dựng kế hoạch, khung lịch thời vụ, thả giống đúng thời điểm, thu hoạch trước khi bão lũ xảy ra.

Người dân Hương Toàn thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Bồ

Ông Ngô Phước Hảo, cán bộ Phòng Kinh tế - TX. Hương Thủy nhận thấy, Hương Thủy là một trong những địa phương nuôi cá nước ngọt có hiệu quả nhất tỉnh, nhờ bà con nắm chắc kỹ thuật, ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Mô hình nuôi cá lồng trên sông Đại Giang thường bị thiệt hại do mưa lũ đến nay cũng đã được khắc phục. Đến thời điểm này, các hộ đang tiến hành thu hoạch, giá ổn định, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9. Riêng cá nuôi ao hồ, ngoài thu tỉa, các địa phương đang yêu cầu, hướng dẫn người dân be bờ an toàn, chắn lưới bao quanh hồ nhằm tránh cá trôi khi mực nước dâng cao.

Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền phối hợp với các xã, thị trấn đang yêu cầu, vận động các hộ tiến hành thu hoạch thủy sản, tránh thiệt hại do bão, lũ. Đến nay, phần lớn diện tích nuôi tôm sú, chân trắng, nuôi xen ghép cua-cá-tôm với khoảng 700 ha cơ bản thu hoạch xong, trong đó có hơn 60% có lãi bình quân 80-100 triệu đồng trở lên/ha. Khoảng 1.200 lồng cá nuôi trên sông Bồ, đầm phá Tam Giang như trắm cỏ, hồng mỹ, mú, nâu, dìa… đang được người dân thu hoạch tỉa; đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết để thu hoạch đại trà.

Bảo vệ an toàn, tránh thiệt hại

Giám đốc Công ty TNHHNN MTV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, ông Dương Đức Hoài Khánh cho biết, môi trường nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi rất tốt, phù hợp cho thủy sản nuôi phát triển; đến nay đã có hàng trăm lồng cá nuôi của các tổ chức, cá nhân bắt đầu bước vào thu hoạch.

Công ty đang yêu cầu các tổ chức, hộ nuôi tiến hành thu hoạch nhằm tránh thiệt hại do bão lũ, đồng thời đảm bảo công tác vận hành, điều tiết mực nước, bảo vệ an toàn hồ đập. Hầu hết mô hình nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi đều có liên kết, hợp đồng với các lái buôn, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi tôm trên cát ven biển với diện tích khoảng 500 ha, tập trung phần lớn ở vùng Ngũ Điền và một số diện tích ở Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; hiện người dân đang tiến hành thả giống, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Các địa phương, ngành thủy sản đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ an toàn cho tôm chân trắng trong mùa bão lũ, như theo dõi thời tiết, gia cố bờ bao, xử lý các yếu tố môi trường trong ao phù hợp trong suốt thời gian xảy ra mưa lớn.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang, khung lịch thời vụ, người dân thả giống vào đầu năm, nhiều loại thủy sản thường thu hoạch rơi vào thời điểm từ tháng 9 trở đi.

Đến thời điểm này, lượng thủy sản đạt kích cỡ, trọng lượng cơ bản thu hoạch xong, sẽ hoàn thành trước bão lũ. Riêng các loại thủy sản nuôi lồng trên các sông Hương, Bồ, Ô Lâu, Đại Giang, nuôi ao hồ, đầm phá nếu còn quá nhỏ, có thể tiếp tục nuôi. Ngành thủy sản, các địa phương hướng dẫn trực tiếp các biện pháp giằng neo lồng bè, gia cố đê bao, kỹ thuật chăm sóc phù hợp nhằm bảo vệ an toàn trong mùa bão, lũ... Dự kiến, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm nay đạt trên 17 ngàn tấn, cao hơn năm trước 500-1.000 tấn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.000 ha nuôi thủy sản nước lợ, mặn, ngọt; khoảng 6.000 lồng bè nuôi thủy sản trên sông, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai với thể tích đạt 130 ngàn m3. Ngành nông nghiệp đã có biện pháp điều chỉnh khung lịch thời vụ phù hợp (sớm hơn các năm trước để thu hoạch tránh lũ lụt); chọn đối tượng nuôi phù hợp và thực hiện các giải pháp an toàn vùng nuôi trồng thủy sản trên sông, đầm phá. Đồng thời, khuyến cáo bà con thận trọng khi nuôi là cá điêu hồng, rô phi trong mùa bão lụt nhằm tránh thiệt hại; chỉ kéo dài thời gian nuôi loại cá này ở những vùng có nguồn nước ít phù sa do lũ lụt.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Khẩn trương tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Khẩn trương tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị

TIN MỚI

Return to top