Chị Nguyễn Thị Tâm (thôn 11, xã Điền Hòa, Phong Điền) đang tính toán tái đàn trở lại sau khi giá heo tăng
Giá heo tăng nhanh
Khảo sát một vòng các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… những ngày này, các thương lái phía Bắc đang tìm lùng mua heo ở các nông trại, trang trại. Với giá heo hơi bình quân khoảng 44-45 nghìn đồng/kg, có thời điểm như cuối ngày 19/7, lên đến 47 nghìn đồng/kg, người nuôi heo bắt đầu có lãi và bù lại những chi phí thua lỗ do giá heo rớt mạnh trong khoảng thời gian 7 tháng trước đó. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi heo lại “méo mặt” vì khi giá cao, họ còn rất ít heo trong trại để bán.
Chị Nguyễn Thị Tâm (thôn 11, xã Điền Hòa, Phong Điền) cho biết, trước đây gia đình đầu tư gần 200 triệu đồng, xây dựng gia trại thả nuôi 60 heo thịt. Thời điểm heo rớt giá, lỗ khoảng 70 triệu đồng. Cách thời điểm tăng giá 3 ngày, do không thể cầm cự nuôi nên chị phải bán heo với giá 22 nghìn đồng/kg. Những ngày sau đó giá heo tăng vọt trở lại, từ 35 rồi đến 45 nghìn đồng/kg, trong chuồng trại, chị Tâm chỉ còn 8 con heo thịt và 20 heo con.
Theo kinh nghiệm của chị Tâm, nuôi heo “cũng như kinh doanh vàng”, cần theo dõi thị trường cẩn thận rồi mới quyết định đầu tư, tái đàn hay xuất heo bán cho đúng thời điểm. “Sau khi thải đàn “hết sức”, với 20 con heo con cùng một nái còn lại, dự kiến mình sẽ giữ nuôi, tái đàn chứ không bán, mặc dù giá heo giống hiện nay đã tăng từ 150 nghìn đồng lên 1,3 triệu đồng (loại 5-7kg/con). Tính chu kỳ vòng nuôi đến khi bán thì giá heo đạt đỉnh (khoảng 55 nghìn đồng/kg) là được. Tuy nhiên, sau vụ nuôi này chưa chắc mình đã tái đàn vì giá không ổn định như cuối năm 2016 đầu năm 2017. Cần tìm hiểu thị trường thêm”, chị Tâm thận trọng.
May mắn hơn nhiều chủ gia trại khác, hộ bà Trần Thị Mỹ Lệ (thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) đến thời điểm hiện tại, đang giữ lại một số lượng heo khá lớn. Nhiều ngày qua, các thương lái đang tập trung về gia trại của bà để thu mua. Gia trại gần 5.000m2 của bà bình thường thả nuôi hơn 1.000 con heo nái và thịt. Bà còn cung cấp thức ăn, vật tư, giống cho khoảng 15 nông hộ nuôi heo trên địa bàn huyện Quảng Điền. Thời điểm heo rớt giá, trại bà thải đàn còn 130 nái và 250 heo thịt.
“Cách đây khoảng 15 ngày, nhiều thương lái đến mua giá 23 nghìn đồng/kg, mình không bán. Nhiều ngày sau lên 35 nghìn đồng/kg mình vẫn giữ nuôi. Mình thông tin giá heo cho các chủ nông hộ mua thức ăn tại cơ sở mình. Kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi heo cho thấy, nếu thương lái phía Bắc mà đã tìm vào trại lùng mua thì giá sẽ còn đẩy cao hơn nữa. Đến hôm 17/7, họ mua giá 44,5 nghìn đồng/kg mình mới xuất bán 100 con. Hiện tại, còn 150 con heo thịt đã đạt trọng lượng 70-75 kg/con, thời gian tới, giá heo tiếp tục lên, sẽ xuất bán nốt số heo này”, bà Lệ cho biết.
Mặc dù giá heo giống hiện tại cao nhưng theo bà Lệ, trang trại bà còn 130 nái, hơn 400 heo giống, bà sẽ giữ lại nuôi để tiếp tục tái đàn.
Người chăn nuôi lợn nông hộ ở Quảng Vinh, Quảng Điền đang tái đàn nuôi trở lại khi giá heo tăng
Thận trọng khi tái đàn
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi& Thú y tỉnh cho biết, giá heo tăng trở lại là tín hiệu đáng mừng. Nguyên nhân là do nguồn theo ứ đọng đã hết, người nuôi từ trang trại đến các nông hộ sau một thời gian thua lỗ, thải đàn dần thì nay chưa kịp tái đàn trở lại dẫn đến nguồn heo khan hiếm. Hiện giá heo bình quân đã tăng lên 44-45 nghìn đồng/kg. Trong đó, nguồn heo từ các nông hộ, loại F1 khoảng 42 nghìn đồng/kg; từ các trang trại, chăn nuôi công nghiệp loại F2 siêu nạc giá khoảng 47 nghìn đồng/kg.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thị trường xuất khẩu chưa có gì khởi sắc nên việc giá heo tăng chủ yếu do cung- cầu của thị trường trong nước. Cụ thể, các tỉnh phía Bắc sau thời gian giảm đàn mạnh đang khan hiếm nguồn heo nên đối với thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh khác, hiện nay, đang cung cấp một lượng heo lớn ra phía Bắc.
Hiện tại, một số doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh có kết hợp với các chủ trang trại (gồm 35 trang trại, chiếm gần 50% tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh), đang giảm đàn rất ít, tiếp tục cung cấp nguồn heo ra thị trường. Đối với các nông hộ, do không chủ động nguồn giống, thức ăn, không phối trộn nên sau thời gian giá giảm, hiện nay đang tái đàn trở lại. Một số doanh nghiệp có liên kết, chế biến thịt heo xuất khẩu nên chủ động được thị trường. Chi cục đang xúc tiến kết nối các hộ chăn nuôi nếu tham gia được chuỗi liên kết này, lợi nhuận sẽ tương đối nhưng tính rủi ro thấp hơn.
“Việc tái đàn nuôi trở lại đối với các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh là bình thường nhưng phải thận trọng và tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và tìm hiểu nắm rõ thị trường. Trong bối cảnh hiện nay không nên tăng đàn và mở rộng trang trại. Số lượng heo chủ yếu đủ cung ứng thị trường trong tỉnh và chờ tín hiệu xuất khẩu mới tính bước nuôi kế tiếp”, ông Hưng khuyến cáo.
Theo đó, việc tái đàn trở lại phải kiểm soát số lượng và không tăng đàn “nóng” dẫn đến thua lỗ. Đối với nguồn heo nái thì duy trì nuôi để đảm bảo nguồn cung giống cân đối ra thị trường; heo thịt thì tiếp tục tái đàn nuôi trở lại.
Ông Hưng cho biết thêm, hiện nay, lực lượng thú y địa phương đang triển khai về tận thôn, bản hướng dẫn người dân tiêm phòng vụ thu (dự kiến tháng 8 kết thúc); giới thiệu người dân chọn mua các địa điểm bán heo con đạt chất lượng giúp người nuôi thuận lợi, an toàn trong việc tái đàn.
“Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh thời điểm hiện tại đã giảm từ 200.000 con xuống còn 186.000 con. Trong đó, đàn heo nái giảm từ 43.000 con xuống còn 37.000 con. Theo quy hoạch chiến lược phát triển đàn heo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 260.000 con. Do vậy, mỗi năm sẽ tăng đàn rất ít. Chúng ta đang nhập tại các tỉnh khác từ 15-20% lượng thịt, do vậy người nuôi heo trong thời điểm hiện nay vẫn tái đàn nuôi bình thường nhưng không nên tăng trưởng 'nóng' ”, TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi& Thú y tỉnh khuyến cáo. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên