Hội nghị trực tuyến công bố, triển khai "Kế hoạch hành động chống hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4" diễn ra chiều 20/2 đã đặt ra nhiều vấn đề thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.
Hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Nhanh chóng áp dụng các giải pháp
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm EC cảnh báo thẻ vàng (từ ngày 23/10/2017) đối với hoạt động khai thác IUU, các ban, bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện như, sửa đổi bổ sung cơ chế quản lý chuyển đổi hạng ngạch khai thác, quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá, thực hiện Hiệp định PSMA, chương trình giám sát viên trên tàu cá…
Đến nay, cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương...
Dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, qua ba lần thanh tra trước, EC đánh giá các giải pháp của Việt Nam đi đúng hướng, có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có giai đoạn “nguy cơ thẻ đỏ cận kề”.
Việc gỡ thẻ vàng được Chính phủ đặc biệt lưu tâm, Thủ tướng Chính phủ đã có ít nhất hai lần chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương.
Ngày 13/2, Thủ tướng cũng ra Quyết định về Kế hoạch triển khai 180 ngày hành động trước khi EC vào thanh tra lần 4.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".
Quyết định 81 đưa ra sáu nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến tháng 5/2023. Đó là những giải pháp về thông tin truyền thông; khung pháp lý, cơ chế, chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm; hợp tác quốc tế
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng đã phát biểu làm rõ thực trạng, những nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU…
Đến nay, tàu cá tại Thừa Thiên Huế chưa từng vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài
Hạn chế tối đa tàu cá mất kết nối
Tại Thừa Thiên Huế, thống kế của Sở NN&PTNT cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh có 276 trường hợp tàu cá bị mất kết nối VMS dưới 6 giờ. Đánh giá nguyên nhân, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, lỗi kỹ thuật về đường truyền của công ty cung cấp thiết bị và mất dòng điện nguồn đột xuất là lý do dẫn đến việc mất kết nối và các trường hợp này Chi cục Thủy sản tỉnh kịp thời phối hợp các nhà cung cấp thiết bị hỗ trợ khắc phục ngay trên biển hoặc khi tàu về đến bờ.
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 678 tàu cá đăng ký, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 431 chiếc, có 14 chiếc từ 24 mét trở lên. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam.
Trên hệ thống dữ liệu tàu cá Quốc gia (VNFISHBASE), Thừa Thiên Huế có 678 chiếc tàu cá đã đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và cập nhật trên hệ thống.
Tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt tỷ lệ 99,4%; 431 chiếc tàu cá xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 100%. Dữ liệu tàu cá khi thực hiện đăng kiểm xong cập nhật ngay hệ thống VNFISHBASE hàng tuần và dữ liệu cập nhật lên hệ thống VNFISHBASE luôn luôn biến động.
Lãnh đạo tỉnh thông tin, năm 2022, tại vùng biển Thừa Thiên Huế quản lý các lực lượng thực thi pháp luật đã tổ chức hơn 50 đợt tuần tra, kiểm tra tàu cá để tuyên truyền, phòng chống và ngăn chặn các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Kết quả đã xử lý 21 trường hợp vi phạm hành chính thủy sản khác, xử phạt với tổng kinh phí 315 triệu đồng.
Đến nay, chưa có tàu cá mất kết nối dữ liệu VMS quá 10 ngày, cần phải xem xét xử lý vi phạm.
“Mặc dù tàu cá tại tỉnh chưa từng vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài nhưng việc phòng ngừa vẫn phải được tiếp tục, trong đó việc nâng năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách thực hiện công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là yếu tố quan trọng, đồng thời hạn chế tối đa tàu cá bị mất kết nối”, lãnh đạo tỉnh thông tin.
Bài, ảnh: LÊ THỌ