Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (ngoài cùng bên trái) hỏi thăm nông dân Thủy Phù về tình hình sản xuất lúa hữu cơ
Thủy Phù có diện tích đất tự nhiên rộng và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Xã có hai HTX nông nghiệp, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đều có nhiều đổi mới theo hướng năng động hơn, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, tạo được sự liên kết với các các doanh nghiệp.
HTX nông nghiệp Phù Bài bắt đầu làm lúa hữu cơ từ năm 2016, khi Tập đoàn Quế Lâm và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với Đảng ủy, UBND xã Thủy Phù về mục tiêu phát triển 100 ha lúa hữu cơ tại địa phương. Ngay khi được kết nối, HTX nông nghiệp Phù Bài đã quy hoạch 2 cánh đồng liên thửa liên vùng để tạo điều kiện sản xuất lúa. “Từ 12 ha vào năm 2016, qua vụ đông xuân 2016-2017, xã đã sản xuất 24,5 ha, đến hè thu 2017, mở rộng lên 54,5 ha. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để bà con sản xuất thành công lúa hữu cơ, phấn đấu đến năm 2018 đạt mức sản xuất trên 100 ha”, ông Ngô Toản, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Phù nhấn mạnh.
Giống lúa được sử dụng để sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ ở xã Thủy Phù chủ yếu là DT39. Đây là giống có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, sinh trưởng phát triển khá tốt và đang được tập đoàn Quế Lâm sử dụng trong dự án gạo hữu cơ của công ty. Liên kết với Quế Lâm sản xuất lúa hữu cơ, bà con nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá bán lại cao hơn lúa thông thường. Lúa sản xuất theo quy trình truyền thống giá bán khoảng 5.400 đồng/kg, nhưng lúa hữu cơ có giá 7.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt mức 16 - 16,5 triệu đồng/ha.
Ông Lê Tranh, Giám đốc HTX nông nghiệp Thủy Phù, cho biết: Do sản xuất lúa hữu cơ yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc nghiêm ngặt, tốn nhiều công hơn, trong khi năng suất bình quân đạt thấp hơn nên ban đầu vận động bà con tham gia cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua 2 vụ đầu cho kết quả vượt trội nên bà con hưởng ứng. Nhiều hộ tham gia trồng lúa hữu cơ nhưng chỉ bán một phần, phần còn lại dành sử dụng trong gia đình để đảm bảo an toàn.
Tại thời điểm này, hơn 54 ha lúa hữu cơ của xã Thủy Phù đã khoảng 45 ngày tuổi, bám rễ và đẻ nhánh xanh tốt, khoảng 1,5 tháng sau sẽ cho thu hoạch. Ngày chúng tôi về thăm, cánh đồng mát rượi, mặt nước của các chân ruộng phủ mỏng một lớp rêu xanh – màu đặc trưng của đất ruộng sử dụng phân hữu cơ.
Lúa hữu cơ thực hiện quy trình sản xuất gắn liền với nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, tạo sản phẩm lúa gạo có hàm lượng dinh dưỡng, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại, góp phần bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế.
|
Ông Nguyễn Song phấn khởi: “Ngoài lượng phân hữu cơ bón định kỳ theo cán bộ của Quế Lâm hướng dẫn, ruộng nhà tui còn có thêm phân chuồng, nên rất xanh tốt. So với các dòng lúa khác, năng suất lúa hữu cơ có thể không bằng, nhưng hiệu quả đem lại thì lớn hơn rất nhiều: thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp trồng lúa, sức khỏe người tiêu dùng và quan trọng hơn là công của người trồng được trả xứng đáng, gấp rưỡi lúa thông thường”.
Trong chuyến về thăm mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX nông nghiệp Phù Bài vừa qua, ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao cách mà xã Thủy Phù đã vận động được sự tham gia của người dân để thực hiện có hiệu quả mô hình này; đồng thời, khuyến khích xã tận dụng những thế mạnh nông nghiệp của địa phương để tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và trồng rau màu hữu cơ.
Cần thêm thời gian để Thủy Phù tiếp tục khẳng định hiệu quả của dòng sản phẩm hữu cơ mới, nhưng với những cánh đồng lúa hữu cơ đang ngày càng được mở rộng như hiện nay, chúng ta có thể vui về tương lai của những con tôm, con cá hữu cơ trên đồng đất ấy.
ĐỒNG VĂN