Không gian Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế thời gian gần đây sôi động với rất nhiều sự kiện, hoạt động để phục vụ công chúng. Ảnh: BTMT
Ngay tại Huế, những tháng trở lại đây liên tiếp các cuộc triển lãm được giới thiệu đến người xem ở nhiều không gian khác nhau, như Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, không gian trưng bày bên trong tòa soạn Tạp chí Sông Hương, Viện Pháp tại Huế… với đa dạng các thể loại sáng tác.
Những cuộc triển lãm này không chỉ là nơi phô diễn tài năng, sự miệt mài thông qua những “đứa con tinh thần” của họa sĩ, mà phần nào đó tạo nên hiệu ứng, kích thích nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng trên vùng đất vốn nổi tiếng thi ca nhạc họa. Đó còn là những cuộc bắt tay, kết nối giữa nghệ sĩ Huế với nghệ sĩ nước ngoài.
Trong không gian Viện Pháp tại Huế, những ngày đầu tháng 10, hàng chục tác phẩm sáng tạo Trúc chỉ của nghệ sĩ Phan Hải Bằng và nghệ sĩ người Pháp Dominique Rousseau đã tạo nên không khí sôi động cho chính không gian giao lưu văn hóa nổi tiếng này. Đập vào mắt người xem, ấn tượng về thế giới sáng tạo Trúc chỉ với những câu chuyện, chủ đề xoay quanh thiên nhiên, biểu hiện xơ sợi được cả hai nghệ sĩ miệt mài sáng tạo trong thời gian dài ngay tại Vườn Trúc chỉ trước khi đưa đến với công chúng.
“Đây không chỉ là cuộc triển lãm thú vị, mà nó còn cho thấy sự sôi động trở lại với rất nhiều không gian văn hóa được trưng bày, giới thiệu, mở ra điều kiện thưởng thức cho chính người dân lẫn du khách gần xa. Không gian đô thị Huế là không gian văn hóa, vì thế thời gian dài ảnh hưởng dịch đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, nay không gian ấy đã trở lại và sôi động hơn”, anh Nguyễn Việt (người dân TP. Huế) đến xem triển lãm chia sẻ.
Trong khi đó, ngay tại không gian Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế) cũng liên tục có những triển lãm trong thời gian ngắn và thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật, đánh dấu sự trở lại sau những chừng hai năm không thể tổ chức do ảnh hưởng dịch. Đó là những cuộc triển lãm “Hương thời gian” của họa sĩ Đặng Thị Thu An, hay như “Hương sắc Huế” của nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên về chủ đề người phụ nữ...
Không dừng lại ở Huế, nhiều họa sĩ Huế đã đưa những đứa con tinh thần của mình hòa nhập và giao lưu với giới văn nghệ sĩ phương xa bằng những cuộc triển lãm ấn tượng, riêng có. Phần nhiều những cuộc triển lãm đó được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, nơi có đời sống văn nghệ vô cùng sôi động, nhộn nhịp. Chọn cho mình triển lãm “Xứ Thần kinh”, nhóm bốn họa sĩ Huế: Lê Hữu Long, Trần Hữu Nhật, Nguyễn Đức Nghĩa và Nguyễn Trung Kiên đã khẳng định sự trở lại TP. Hồ Chí Minh một cách rất riêng, rất chất và đậm dấu ấn Cố đô.
Hơn 30 tác phẩm của nhóm họa sĩ này đã đưa người xem lạc vào thế giới nội tâm, sâu lắng nhưng vô cùng gần gũi trong hành trình duy trì sự tồn tại đầy cô độc và riêng tư. Hầu hết những tác phẩm ấy được sáng tác trong giai đoạn cả nước gần như bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để đối phó với dịch bệnh. Vì thế, khi giới thiệu đến công chúng, người xem TP. Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định sự lao động miệt mài, niềm đam mê với hội họa bất chấp những khó khăn.
Hay như họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, chỉ một vài tháng trở lại đây, anh đã có hai chuyến “công du” đưa những tác phẩm của mình đến với TP. Hồ Chí Minh để tổ chức triển lãm cá nhân. Những tác phẩm của anh đã nhận được sự đón nhận của đồng nghiệp lẫn người xem một cách nồng nhiệt, thậm chí có người còn đùa thốt lên: “Một năm làm hai triển lãm cá nhân, thấy ghét!”.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế kể, từ sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, không riêng gì những không gian thuộc bảo tàng mà nhiều không gian văn hóa khác trên địa bàn TP. Huế sôi động, nhộn nhịp trở lại với rất nhiều sự kiện, hoạt động. Đó là tín hiệu vui cho những người giới văn nghệ sĩ, những người tổ chức và đặc biệt là cộng đồng, du khách.
“Riêng bảo tàng chúng tôi, gần đây tổ chức vượt kế hoạch rất nhiều hoạt động, sự kiện. Nhờ vậy đã kích cầu, thu hút một lượng lớn người dân, du khách trong và ngoài nước trở lại tham quan cũng như trải nghiệm những hoạt động ở bảo tàng nói chung và nhiều không gian khác nói riêng”, bà Trai chia sẻ.
NHẬT MINH