ClockThứ Năm, 02/02/2023 06:33

Hiệu quả từ nguồn vốn vay, hỗ trợ nông dân

TTH - Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi khác nhau, nông dân A Lưới đã từng bước đầu tư các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ nông dân vượt khóPhát huy Quỹ Hỗ trợ nông dânPhát triển kinh tế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ, nông dân A Lưới phát triển chăn nuôi hiệu quả

Nhiều mô hình hiệu quả

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) A Lưới đã đẩy mạnh việc vận động thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thông qua các nguồn vốn khác nhau, đã xây dựng được các mô hình sản xuất, chăn nuôi điểm có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao nhằm cải thiện đời sống nông dân.

Để có mô hình trang trại quy mô khá lớn, sản xuất hiệu quả như hiện nay, là cả sự cố gắng vươn lên của gia đình bà Nguyễn Thị Thững (Hồng Thượng, A Lưới) cùng sự hỗ trợ, làm “cầu nối” của chính quyền địa phương. Bà Thững cho biết, trước thời điểm năm 2015, gia đình bà lao động, sản xuất theo kiểu tự phát nên làm chỉ đủ ăn.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, gia đình bà đã đầu tư và phát triển diện tích trồng rừng kinh tế với 17ha. Qua đúc rút kinh nghiệm cùng kiến thức học được, gia đình đầu tư và phát triển đàn dê lên 30 con và chăn nuôi thêm 350 con gà, vịt cùng ao cá kết hợp trồng rừng kinh tế. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Phát triển các mô hình kinh tế mới, nông dân được tham gia các lớp tập huấn tại xã về KHKT trồng trọt, chăn nuôi và đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trong huyện, tỉnh. Đồng thời, có cơ hội tiếp cận tìm hiểu thêm các kiến thức chăn nuôi và trồng trọt qua sách báo, mạng internet.

Hiện trang trại bà Thững hàng năm đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở địa phương mỗi vụ thu hoạch cây keo của gia đình là 15 đến 20 người; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT cho các hộ khác trong xã có nhu cầu từ 4 đến 5 hộ. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho gia đình mình, trang trại bà Thững còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho các hội viên nông dân trong chi hội có nhu cầu.

Tương tự, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nông dân ở A Lưới có cơ hội tiếp cận mô hình chăn nuôi trồng trọt hữu cơ, an toàn sinh học. Điển hình như hộ anh Hồ Viết Ái Duy (Quảng Nhâm, A Lưới) được địa phương kết nối, Ngân hàng CSXH huyện A Lưới cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Có được nguồn vốn đầu tư, cộng với số tiền tích lũy được, anh Duy đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn. Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, sử dụng đệm lót sinh học, tạo ra phân hữu cơ bón lót cho cây trồng. Với mô hình khép kín, đến nay, trang trại của anh đã cho lãi trên 140 triệu đồng/năm.

“Bà đỡ” cho nông dân

Theo HND huyện A Lưới, để người dân có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, ngay từ đầu năm HND huyện đã có văn bản, chương trình phối hợp cụ thể với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT huyện.

Đến nay số vốn tại Ngân hàng CSXH do cấp hội quản lý có 86 tổ tiết kiệm và vay vốn (thành lập mới thêm 1 tổ tại xã Trung Sơn), với 3.500 thành viên tham gia các chương trình, tổng dư nợ trên 151 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện theo Nghị định 55 của Thủ tướng Chính phủ, HND huyện đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ hội cấp cơ sở, triển khai các nội dung, quy định cụ thể liên quan nêu trong Nghị định 55, và phối hợp làm việc với các đơn vị để thành lập các tổ vay vốn qua kênh Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh A Lưới.

Đến nay tổng số tiền Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) huyện quản lý là hơn 1,3 tỷ đồng. Đây là nguồn quỹ rất thiết thực nhằm để hỗ trợ thêm cho các hội viên nông dân còn gặp khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Từ nguồn quỹ của huyện trong năm 2022 đã giải quyết hỗ trợ được thêm cho 5 hộ vay tại xã Hương Nguyên. Đồng thời đã xây dựng được một số tiểu dự án hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi tại các địa phương như: Hỗ trợ nuôi gà tại Quảng Nhâm, Sơn Thủy, Hương Phong; hỗ trợ nuôi dê tại Hồng Thủy, Hồng Hạ, A Đớt, thị trấn A Lưới và hỗ trợ chăn nuôi bò tại Hồng Thượng…

Ông Hồ Văn Liên, Phó Chủ tịch HND huyện A Lưới cho biết, qua thẩm định và kiểm tra các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, bước đầu các hộ vay đã có những bước phát triển tích cực, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình ngày càng đi lên, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 hộ gia đình trên địa bàn.

Ngoài ra, trong năm 2022 HND tỉnh đã giải ngân 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại Đông Sơn và 1 dự án nuôi heo tại xã Lâm Đớt. Tính đến nay trên địa bàn huyện A Lưới có 7 dự án có nguồn vốn từ QHTND. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 1 dự án; nguồn tỉnh là 6 dự án với tổng số vốn 2 tỷ đồng cho 72 hộ hội viên nông dân được vay.

Ông Hồ Văn Liên đánh giá, các dự án từ nguồn vốn QHTND đã góp phần rất thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nông dân tham gia xây dựng NTM

Đến nay A Lưới có 7.966 hội viên nông dân đăng ký hộ gia đình văn hóa. Vận động hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đóng góp 105 triệu đồng giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, trên 2.525 ngày công lao động để làm mới và sửa chữa đường giao thông liên thôn, liên xóm, hàng rào xanh được trên 7km; trồng mới và cải tạo chăm sóc trên các tuyến đường khuôn viên trụ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng trên 286m2 hoa các loại. Bên cạnh đó, hội viên nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với số tiền đóng góp là 75 triệu đồng, với 1.525 ngày công lao động và hiến 3.000m2 đất.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top