Đầm sen hữu cơ phát triển tốt tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền)
Tăng giá trị
Lâu nay, không ít người lầm tưởng trồng sen ít sử dụng chất hóa học, thậm chí không sử dụng hóa chất trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển. Thế nhưng, quy trình trồng của nông dân với giống sen cao sản, sau khi xuống giống ít nhất phải 3 lần bón phân hóa học, chưa kể sử dụng các loại thuôc diệt ốc và sâu bệnh hại cây.
Tình trạng sen thiếu dinh dưỡng hay sâu bệnh hoành hành nên nông dân sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong khi cơ quan chức năng khó đưa ra khuyến cáo có hay không nên sử dụng chất hóa học trong loại cây trồng này.
Nhiều năm nay, khoảng 60 ha sen tại khu vực bàu Niên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương. Những mùa vụ trước, người dân lo lắng khi sen bị nhiễm bệnh. Hiện, Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt (Công ty Huế Việt) đang phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân trồng sen theo phương pháp hữu cơ, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người trồng.
Anh Hoàng Văn Sỹ, phụ trách kỹ thuật Công ty Huế Việt cho hay, trồng sen theo phương pháp này quan trọng nhất là xử lý ao hồ và nguồn nước, tuyệt đối không trồng sen trên nguồn nước đã bị nhiễm bệnh. Trước khi trồng, ao, hồ phải được tháo cạn nước, xử lý kỹ bằng vôi, sau đó phơi khô gần 2 tuần trước khi cho nguồn nước mới vào.
Không phủ nhận cây sen mang lại hiệu quả cho nhiều hộ dân, nhưng không ít diện tích ở các địa phương bị nhiễm bệnh khiến sản lượng thuyên giảm đáng kể. Sen nhiễm bệnh hoặc bị sâu tấn công, nông dân thường phun thuốc để phòng, chống, song theo anh Sỹ, phương pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn, khiến nguồn bệnh lây lan và có thể kéo dài đến những mùa vụ sau.
“Một số loại thuốc hóa học nông dân đang sử dụng cũng có thể gây hại cho sen. Hiện tượng ao sen nhiễm bệnh kéo dài nhiều vụ liên tiếp đã xảy ra. Trồng sen theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi người trồng phải thường xuyên theo dõi. Cần áp dụng phương pháp thủ công để diệt sâu bệnh, đó là sử dụng bẫy dính để thu hút các loại sâu hại cây hay phương pháp dẫn dụ bướm, ốc để bắt thủ công. Khi một cây nhiễm bệnh cần phải tiêu hủy ngay để tránh lây lan”, anh Sỹ chia sẻ.
Mô hình trồng sen hữu cơ không cho sản lượng cao, song, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm vượt trội. “Đây là vùng nguyên liệu để chúng tôi sản xuất các sản phẩm từ sen như trà sen, rượu sen, sen hạt… Chính sự an toàn ngay từ vùng nguyên liệu khiến các sản phẩm lấy được lòng tin của người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty Huế Việt cho biết.
Hình thành thương hiệu
Về hiệu qủa trồng sen hữu cơ tại Phong Điền, ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, với 60 ha, mỗi năm mô hình này giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, giá trị của sen được tăng lên đáng kể từ phương pháp trồng hữu cơ.
Giống sen Đại Nội cũng đang được Công ty Huế Việt trồng theo phương pháp hữu cơ tại xã Phong Hòa (huyện Phong Điền).
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, địa phương này luôn khuyến khích người dân chuyển đổi trồng sen theo phương pháp hữu cơ. “Thời gian tới, chúng tôi cũng có chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng sen sang hướng hữu cơ. Hiện, trồng sen mang lại thu nhập khá cao cho nông dân”, ông Bình nói.
Sản phẩm từ cây sen hiện rất đa dạng, song sản phẩm từ sen hữu cơ không nhiều. Bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng, ngoài trồng sen lấy hạt hay lấy củ đơn thuần thì muốn tạo ra một sản phẩm từ sen hữu cơ phải có sự liên kết. “Chúng tôi đã hình thành thương hiệu trà sen. Để có sản phẩm này, chúng tôi phải liên kết với vùng nguyên liệu chè cũng được trồng theo phương pháp hữu cơ, từ đó mới cho ra được một sản phẩm an toàn”, bà Huệ dẫn chứng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Đắc Thọ cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, những sản phẩm hữu cơ, an toàn luôn được khuyến khích. Những sản phẩm này không chỉ tạo ra giá trị cao về mặt kinh tế mà còn phù hợp với xu thế thị trường đang ngày càng khắt khe.
Bài, ảnh: Lê Thọ