ClockThứ Ba, 15/10/2024 06:57

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

TTH - Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên taiỨng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net ZeroỨng dụng công nghệ xanh để phát triển bền vững

 Công nghệ hiện đại giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động

Đòn bẩy công nghệ

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến tôm đông lạnh, phục vụ xuất khẩu, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, chi nhánh Huế đã đầu tư nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả lao động. Ông Phan Văn Hưng, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, chi nhánh Huế cho biết, một trong những công nghệ tiên tiến mà công ty đã áp dụng là hệ thống cân và đóng gói tự động. Thay vì cần tới 20 công nhân trong mỗi ca sản xuất như trước đây, hiện nay, chỉ cần 2 người để vận hành hệ thống là đã đảm bảo mang lại hiệu quả tối ưu. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí lao động, mà còn giúp cho quy trình sản xuất diễn ra liên tục, không bị ùn ứ, góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Hệ thống cân tự động cũng giúp kiểm soát khối lượng sản phẩm một cách chính xác, tránh hiện tượng thừa hoặc thiếu trọng lượng, đảm bảo mọi sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Ngoài ra, công ty còn trang bị máy dò kim loại hiện đại, giúp loại bỏ bất kỳ tạp chất hoặc vật thể lạ nào có thể tồn tại trong sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào máy luộc sản phẩm đã mang lại sự cải thiện lớn về năng suất. Trước đây, công suất của nhà máy chỉ đạt 400kg sản phẩm mỗi giờ, nhưng với máy luộc hiện đại, con số này đã tăng lên 1.000kg trong một giờ đồng hồ. “Máy móc tiên tiến không chỉ giúp tăng năng suất, mà còn giúp công nhân làm việc nhẹ nhàng và an toàn hơn trong môi trường sản xuất”, ông Hưng chia sẻ.

 Có công nghệ hỗ trợ, người lao động tại Công ty CP Dệt may Huế nhàn hơn trong sản xuất

Theo ông Rachata Inthaworn, Giám đốc Nhà máy C.P. Việt Nam tại Huế, nhờ ứng dụng kịp thời các công nghệ hiện đại, công ty đã đạt doanh thu 58 triệu USD trong năm 2023, vượt kế hoạch năm. Điều đó chứng tỏ, đầu tư vào công nghệ không chỉ là yếu tố cần thiết mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho DN.

Công ty CP Dệt may Phú Hòa An đóng tại khu công nghiệp Phú Bài cũng là một trong những DN tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trước đây, công đoạn trải vải đòi hỏi phải có nhiều công nhân, nhưng từ khi công ty đầu tư vào máy trải vải tự động, quy trình này chỉ cần hai công nhân, giúp thời gian trải vải nhanh hơn gấp nhiều lần.

Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, cho biết: “Các sản phẩm dệt may của chúng tôi sau khi cắt bằng máy tự động đạt độ chính xác về kích thước và tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn. Việc đầu tư vào công nghệ tự động hóa không chỉ giúp công ty giảm chi phí lao động, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường xuất khẩu".

Công ty CP Dệt May Huế với hơn 4.000 công nhân, phục vụ thị trường quốc tế với các thương hiệu thời trang lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, công ty không ngừng đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy cắt tự động, máy kiểm tra vải và máy cuộn viền tự động. Đại diện Công ty CP Dệt May Huế chia sẻ, trước đây may cổ áo phải may thủ công và phải thợ có tay nghề bậc 5 - 6 mới đảm nhận được, nay áp dụng phần mềm thiết bị tự động, chỉ cần đưa máy lập trình vào thì may một lần được 6 cổ áo mà chỉ cần thợ bình thường. Đó là lý do, công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua thiết bị công nghệ hiện đại.

Những cải tiến công nghệ này đã giúp công ty tạo ra các sản phẩm có độ chính xác cao, giảm thiểu sai sót do thao tác của công nhân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các khách hàng quốc tế đòi hỏi sự khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng.

Cần thêm sự đồng hành

Mặc dù các DN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng việc đầu tư và triển khai công nghệ vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Kinh phí đầu tư vào các thiết bị tự động hóa vẫn rất cao, trong khi nguồn lực của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.

Để vượt qua những thách thức này, sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, cùng với sự hợp tác giữa các DN trong ngành là điều cần thiết. Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, các DN cũng cần chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo công nhân có thể sử dụng và vận hành các thiết bị hiện đại một cách hiệu quả.

Hiện, Thừa Thiên Huế đã và đang tăng cường các hoạt động liên doanh, hợp tác, giúp các DN trao đổi kinh nghiệm về quản lý, kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Đồng thời, tập huấn đào tạo hỗ trợ DN trong việc ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị, như quản lý nhân sự, kế toán và kho hàng, giúp các DN tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghệ hiện đại đã và đang trở thành yếu tố quan trọng giúp các DN bứt phá trong sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ, các DN cần có sự đầu tư dài hạn và chiến lược phát triển bền vững, đồng thời chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

TIN MỚI

Return to top