Anh Nguyễn Nhẫn (thị trấn A Lưới) kể, đầu năm 2018, được trạm khuyến nông huyện vận động, hỗ trợ giống và kỹ thuật anh quyết định trồng thử nghiệm 100 củ hoa tuylip. Sau gần 1 tháng xuống giống, hoa đã nở đúng dịp tết, bán hết ngay tại vườn. Nhiều khách hàng đến hỏi mua không còn để bán. "Ban đầu tôi cũng lo lắm, không biết khí hậu, thổ nhưỡng ở đây có hợp với hoa không nên chỉ dám trồng thử nghiệm số lượng ít. Với tình hình khả quan như vụ vừa rồi, nhất định năm sau tôi sẽ mở rộng quy mô lên gấp nhiều lần", anh Nhẫn nói.
Vụ hoa tết vừa qua trên địa bàn thị trấn A Lưới và xã Sơn Thủy có 17 hộ tham gia mô hình nhân rộng hoa ly và tuylip với số lượng hơn 8.000 củ; đã thu được kết quả khá tốt, tỷ lệ trổ bông hoa ly ly đạt 2.700 cành/2.925 củ, giá bán trung bình 45.000đ/cành, lợi nhuận bình quân trên cành khoảng 22.000 – 25.000 đồng. Hoa tuylip xuất ra thị trường gần 500 chậu (mỗi chậu 5 củ), tỷ lệ trổ bông đạt 2407/5350 củ (tương ứng 45%), giá bán trung bình 150.000 – 200.000đ/chậu trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 60.000 đồng.
Bà Hồ Thị Thắng, Phó Trưởng trạm Khuyến nông lâm ngư A Lưới thông tin, lãnh đạo huyện và cán bộ khuyến nông nhiều lần tham quan thực tế các mô hình nông nghiệp sạch tại các tỉnh, thành như Đà Lạt, Hòa Bình… thậm chí là tận nước ngoài với mong muốn tìm kiếm được các mô hình nông nghiệp thực sự phù hợp với địa phương. Nhận thấy hoa ly ly và tuylip có khả năng thích nghi tốt với khí hậu A Lưới, lại là loại hoa được thị trường Huế yêu thích nhưng phải nhập từ các nơi khác; trạm đã tiến hành trồng thử nghiệm trong 2 năm (2015 – 2016) và thu được kết quả khả quan.
Trên cơ sở đó, trạm xây dựng, thực hiện mô hình nhân rộng hoa ly ly (cuối năm 2017) và tuylip (tháng 1/2018) tại thị trấn và xã Sơn Thủy, nhằm tiếp tục đánh giá khả năng thích nghi của hoa với khí hậu A Lưới; làm cơ sở xây dựng quy trình kỹ thuật và chọn giống phù hợp để nhân rộng trồng đại trà trong các năm tới.
Với lợi thế như thích nghi tối với khi hậu bản địa, thời gian sinh trưởng không dài (chỉ từ 19-25 ngày đối với hoa tuylip), lợi nhuận cao, được thị trường ưu chuộng; hoa ly ly và tuylip hoàn toàn có thể phát triển đại trà tại địa phương, hướng đến xây dựng thương hiệu hoa A Lưới. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động người dân tham gia.
Chi phí đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chưa chủ động nguồn giống do nhập từ nước ngoài là rào cản lớn với người dân khi tiếp cận. Để khắc phục điều này, chính quyền huyện đã hỗ trợ một nửa tiền giống giúp người dân mạnh dạn tham gia, đồng thời phối hợp với trạm hỗ trợ quy trình kỹ thuật tối đa. Với phương pháp “bắt tay chỉ việc”, cán bộ khuyến nông luôn theo sát người trên từng công đoạn, từ xử lý giống, xây dựng hệ thống nhà lưới cho đến chăm sóc.
Ban đầu huyện đã liên hệ với hai siêu thị lớn BigC và Co.opmart để tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng nhu cầu mua hoa qúa lớn, cung không đủ cầu nên đành lỡ hẹn. Trong năm tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng quy mô, đáp ứng phần nào thị trường hoa tết Huế vốn “khát” hoa cao cấp.
Trung tâm Khuyến nông – lâm – ngư A Lưới hiện đang tìm kiếm thêm các giống hoa mới như cẩm tú cầu, cẩm chướng…để đa dạng hóa chủng loại hoa phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng thời liên hệ với các nơi cung cấp giống tại Đà Lạt để chủ động nguồn giống phục vụ nhu cầu người dân và thuận lợi trong quản lý chất lượng.
Minh Nguyên