ClockThứ Hai, 14/09/2020 15:01

Hợp tác nuôi tôm an toàn

TTH - Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nuôi tôm chân trắng (NTCT) trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi tất yếu.

Nuôi tôm khép kín: An toàn & hiệu quảLợi kép từ nuôi tôm an toàn

Mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở Điền Hương

Ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Huy ở xã Điền Hương trao đổi, khó khăn lâu nay trong NTCT trên cát là dịch bệnh do môi trường không đảm bảo, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Trong khi biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì người dân hầu như chưa nắm bắt, chưa được hỗ trợ các kỹ năng, kỹ thuật và kinh nghiệm ứng phó, xử lý khi gặp thời tiết xấu.

Phần lớn các hộ nuôi đều chưa tuân thủ quy hoạch, quy định nuôi tôm an toàn. Các hộ nuôi chỉ quan tâm đầu tư xây dựng ao nuôi, không có ao lắng. Nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi, hoặc xả thải ra môi trường đều chưa qua xử lý, dễ xảy ra các loại dịch bệnh, lây lan diện rộng. Hầu hết các ao nuôi không có lưới che, chắn an toàn nên tôm dễ xảy ra dịch bệnh do chim, các loại động vật mang từ môi trường bên ngoài và các ao nuôi khác xâm nhập.

Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải thừa nhận, lâu nay, các hộ nuôi đều sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đạt kích cỡ nên chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá không cao.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Thành thông tin, hướng đến NTCT trên cát ven biển an toàn, huyện Phong Điền đang tiến hành kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các ban ngành phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống ao hồ toàn vùng Ngũ Điền, yêu cầu các hộ nuôi phải xây dựng ao xử lý nước thải, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo an toàn. Các hộ không tuân thủ sẽ có chế tài xử phạt theo quy định. Đối với các công trình hạ tầng thủy lợi, điện, nước…đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, nguồn vốn lớn sẽ được huyện huy động, tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng.

Ngành thủy sản đang phối hợp với các ban ngành, địa phương và người dân triển khai các mô hình thí điểm nuôi tôm công nghệ cao ở vùng cát Ngũ Điền.

Mới đây, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn, công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học thí điểm tại Điền Hương, cho thấy phù hợp với điều kiện sản xuất tại vùng cát ven biển. Đây mới chỉ là thành công bước đầu, ngành thủy sản, các hộ nuôi đang tiếp tục thí điểm thêm một vài vụ nhằm đánh giá, phân tích những ưu điểm cụ thể trước khi nhân rộng mô hình.

Liên kết theo “chuỗi giá trị”

Theo Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu, ngoài yếu tố dịch bệnh, trở lực lớn lâu nay là đầu ra sản phẩm bấp bênh. Tại vùng cát Ngũ Điền chỉ duy nhất một đại lý thu mua tôm, sự độc quyền của đại lý này dẫn đến tình trạng ép giá. Nhiều vụ tuy đạt sản lượng cao nhưng các hộ lãi rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.

Hướng đến nuôi tôm chuyên nghiệp, việc thành lập các HTX có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, xử lý dịch bệnh và tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân là điều cần thiết. UBND huyện Phong Điền thành lập HTX nuôi tôm Phong Hải cách đây 7 năm. Quá trình hoạt động, HTX bộc lộ yếu kém về mọi mặt, từ trình độ, năng lực cán bộ quản lý, điều hành đến tiềm lực tài chính… nên đã ngừng hoạt động.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, Liên minh HTX có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương thành lập HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; tư vấn, định hướng các nội dung, phương thức hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Các HTX sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước như hỗ trợ kinh phí thành lập, đào tạo nguồn nhân lực, vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, cùng với thành lập, củng cố HTX nuôi trồng thủy sản, huyện Phong Điền đang xúc tiến hợp tác với Công ty CP hỗ trợ người dân hướng đến mô hình nuôi tôm chuyên nghiệp, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Công ty CP bày tỏ sự thiện chí, sẵn sàng hợp tác, với điều kiện người dân, chính quyền địa phương tuân thủ các quy trình kỹ thuật, quy định của công ty trong quá trình nuôi. Các hộ nuôi tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi tôm an toàn, không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất; phải sử dụng nguồn giống, thức ăn, thuốc men và các trang thiết bị do công ty cung cấp, tôm nuôi đảm bảo kích cỡ theo quy định…

Mục tiêu, chiến lược của huyện Phong Điền là hướng đến mô hình NTCT trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, đảm bảo chất lượng, an toàn, xuất khẩu. Theo quy hoạch, diện tích NTCT trên cát ven biển khoảng 900 ha, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Kế hoạch trước mắt của huyện sẽ liên kết với Công ty CP cùng với một số hộ dân tổ chức xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn, khép kín theo “chuỗi giá trị” thí điểm. Sau khi mô hình thành công sẽ tiến hành vận động các hộ từng bước nhân rộng trên toàn địa bàn vùng Ngũ Điền.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
Return to top