ClockThứ Ba, 24/01/2023 13:45

Hướng đến nông nghiệp xanh

TTH - Hướng đến nền “nông nghiệp xanh”, bền vững được xác định là mục tiêu, hướng đi phù hợp của tỉnh trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Liên kết để nâng cao giá trị sản phẩmMiền xanh Vinh Mỹ

Trồng rau trong nhà màng ở Hương Thọ

Nông sản hữu cơ chuỗi giá trị

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TĐQL), ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ, được “đứng chân” trên mảnh đất Cố đô đang phát triển từng ngày là vinh dự lớn đối với ông và doanh nghiệp. Với năng lực của tập đoàn hoàn toàn có thể phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên theo tinh thần, chủ trương của tỉnh, ông Lam và TĐQL muốn cống hiến, đem đến cho ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế sự mới mẻ, phù hợp với xu hướng chung của cả nước và thế giới. Trong đó, phát triển “nông nghiệp xanh” bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn sinh học, VietGAP được ông Lam và tập đoàn lựa chọn.

Ông Lam cho rằng, tác động của ô nhiễm môi trường và nông sản không an toàn đang ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp ngay từ lúc này là cùng đồng hành với người dân tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Cả người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, thay đổi tư duy, nhận thức trong lựa chọn, sử dụng sản phẩm hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh học.

TĐQL là một trong những đơn vị, doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất nông sản hữu cơ (NSHC), an toàn sinh học, VietGAP, từ đó từng bước tạo sức lan tỏa và chuyển đổi nhận thức của nông dân trong tiến trình xây dựng nền “nông nghiệp xanh”, bền vững trên địa bàn tỉnh. Từ khi “đặt chân” trên đất Thừa Thiên Huế, TĐQL đã tổ chức sản xuất các mô hình NSHC như lúa gạo hữu cơ, nuôi lợn hữu cơ… Bước đầu tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các mô hình, sản phẩm của TĐQL được nông dân và người tiêu dùng hưởng ứng tích cực.

Gạo hữu cơ Quế Lâm ra thị trường

TĐQL liên kết với các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà và TP. Huế sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị, với diện tích khoảng 300ha. Đơn vị cung cấp các dịch vụ đầu vào như giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc thảo mộc và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, TĐQL đầu tư khay mạ giống, hệ thống máy gieo cấy cho các HTX, xây dựng sân phơi và hệ thống máy sấy lúa với công suất 60 tấn/ca.

Trong năm 2022, toàn bộ sản phẩm của trên 300ha lúa sau thu hoạch của các HTX liên kết với TĐQL đều được đưa vào hệ thống máy sấy đã kiểm soát và ổn định chất lượng đầu vào, giảm hao hụt, hạ giá thành, không phụ thuộc vào thời tiết. Đơn vị liên kết với nông dân sản xuất 200ha ngô, đậu tương hữu cơ ở các huyện A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang để làm nguyên liệu chủ động cho nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, tạo chu trình khép kín trong quá trình sản xuất an toàn; liên kết với xã Phong Thu (Phong Điền) xây dựng HTX thanh trà hữu cơ đem lại giá trị cao. Doanh nghiệp liên kết với các hộ ở Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền) trồng thử nghiệm khoai lang, dưa hấu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

TĐQL xây dựng hệ thống tiêu thụ và phát triển thị trường trên toàn quốc, tập trung hướng vào các trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các khu công nghiệp. Hai mặt hàng chủ lực là thịt lợn hữu cơ, gạo hữu cơ Quế Lâm ở Huế đã có mặt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành trên cả nước. Tại Thừa Thiên Huế đã xây dựng và đi vào hoạt động hai siêu thị NSHC Quế Lâm. Tại huyện Quảng Điền được xây dựng và đưa vào hoạt động một cửa hàng NSHC và đang xây dựng một quầy bán hàng NSHC tại chợ A Lưới…

Phát huy lợi thế

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh đánh giá, trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững. Các mô hình “nông nghiệp xanh” thời gian qua tạo luồng gió mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ đất và nước trong canh tác. Đến nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, gồm 38 nhà lưới - nhà màng, hơn 5.000ha sản xuất theo VietGAP, 500ha lúa hữu cơ...

Quá trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chỉ áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Doanh nghiệp thu mua và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân tổ chức sản xuất NSHC, VietGAP. Điển hình như các mô hình liên kết giữa Công ty CP TĐQL, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh… với các HTX sản xuất lúa hữu cơ, chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm sạch có giá trị kinh tế cao.

Có thể kể đến một số mô hình hiệu quả, như trồng dưa lưới trong nhà lưới - nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc) với quy mô khoảng 3.500m2; sản xuất lúa hữu cơ tại HTX Phù Bài (TX. Hương Thủy), lúa hữu cơ Phú Hồ (Phú Vang); An Lỗ (Phong Điền); sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) với quy mô hơn 2ha; mô hình sản xuất lạc theo hướng hữu cơ tại HTX Mỹ Hải (Phú Lộc) với quy mô khoảng 4,5ha; sản xuất thanh trà theo VietGAP tại HTXNN Thủy Biều với diện tích 8,7ha… Một số sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu, đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao và được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh như gạo ST24, gạo Vua Ngự, gạo Quế Lâm, rau má Quảng Thọ, ném Điền Môn, cam Nam Đông, chuối già lùn A Lưới...

Theo ông Lê Văn Anh, các mô hình “nông nghiệp xanh” còn tạo mối liên kết giữa nhà vườn, doanh nghiệp, HTX với các đơn vị du lịch tổ chức tour du lịch xanh nhằm giới thiệu nông sản đến với du khách; kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Các doanh nghiệp, HTX ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, như hình thành nền tảng dữ liệu số về cây trồng, xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng, xây dựng và phổ biến mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô…

Bài: Hoàng Thế

Ảnh: Phan Thắng - Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hướng đi phù hợp của Hương Thủy

Là cửa ngõ phía nam của TP. Huế, TX. Hương Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại. Sự đầu tư và chuyển biến thời gian qua cho thấy, thị xã đã có hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế này.

Hướng đi phù hợp của Hương Thủy
Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai

Việc giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và người trong thiên tai, bão lũ, theo đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thị xã Hương Trà chính là phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và xây dựng các kịch bản phù hợp với từng địa bàn...

Chủ động các kịch bản phù hợp với từng địa bàn trong thiên tai

TIN MỚI

Return to top