Thu hoạch cá dìa, cá nâu nuôi trên đầm phá
Bấp bênh từ việc nuôi tự phát
Hơn 10 năm nuôi cá vẩu trên vùng đầm phá, anh Phan Việt ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) nếm trải bao thăng trầm từ loài cá đặc sản này. Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài chục con, thấy cá phát triển tốt trên vùng đầm phá, anh Việt từng bước nhân rộng quy mô, bình quân mỗi năm nuôi 400-500 con.
Cùng với mú, nâu, hồng, chẽm, dìa..., cá vẩu vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, phục vụ các tiệc cưới, liên hoan. Mỗi kg cá vẩu thương phẩm có giá dao động từ 200-300 ngàn đồng. Tuy nhiên, theo anh Việt, quá trình nuôi loài cá đặc sản này không ít lần bị ép giá, song cũng phải bán vì cá đạt thương phẩm càng nuôi càng tốn chi phí thức ăn và rủi ro dịch bệnh rất cao.
Tại các xã Vinh Hiền, Lộc Bình (Phú Lộc)… hiện có hàng trăm lồng nuôi cá vẩu. Cùng với loại cá này, tại các địa phương đang từng bước nhân rộng mô hình nuôi cá mú, hồng, nâu, dìa, chình… Đến nay, trên vùng đầm phá TG-CH có hàng ngàn lồng, bè nuôi các loại cá đặc sản này, tập trung ở các vùng đầm phá Quảng Điền, Phú Lộc và một số địa phương vùng đầm phá TX. Hương Trà, huyện Phú Vang.
Từ những vụ nuôi đầu tiên, hai lồng nuôi cá mú của chị Huỳnh Thị Kim Ánh thôn Hòa An, xã Lộc Bình cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Những năm về sau, mô hình nuôi cá mú của chị Ánh cũng như của bà con Lộc Bình khá bấp bênh. Nhiều vụ nuôi bị dịch bệnh, các vụ đạt sản lượng cao thì giá quá thấp nên lời lãi chẳng là bao, thậm chí thua lỗ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, nuôi trồng thủy đặc sản không còn là chuyện lạ đối với người dân vùng đầm phá TG-CH. Nhưng nuôi trồng có quy hoạch, theo “chuỗi giá trị” thì nhiều người hầu như chưa từng biết đến. Những loại cá dìa, nâu, hồng, mú, vẩu… có giá trị kinh tế cao nhưng người nuôi thường “thất thế” khi dịch bệnh, hoặc bí đầu ra, lái buôn ép giá.
Trải qua hơn chục năm nuôi cá đặc sản nhưng đến nay hầu hết người dân đều tự phát. Các hộ chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi bài bản, khoa học mà gần như phó thác cho “trời”. Khi dịch bệnh xảy ra thường “bó tay”. Hầu hết các hộ đều nuôi quy mô hộ cá nhân, mạnh ai nấy làm. Chính điều này khiến họ trở nên đơn độc trong quá trình nuôi, đến khi thu hoạch lại bí đầu ra. Con giống các loại thủy đặc sản hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, theo mùa nên không chủ động giống thả nuôi đúng thời vụ nhằm tránh bão, lũ.
Cần thiết tham gia “chuỗi giá trị”
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trương Văn Giang cho rằng, vùng đất ngập nước, hệ đầm phá TG-CH được ví là “bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích gần 22 ngàn ha mặt nước, chạy dọc từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc. Đây chính là tiềm năng lớn cho nuôi trồng thủy sản, trong đó có các loại thủy đặc sản như cá dìa, hồng, nâu, mú, vẩu, chim trắng, chình…
Đến nay, toàn tỉnh có 4.922 ha nuôi trồng thủy sản, hơn 8.480 lồng, bè, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 ngàn hộ. Sản lượng nuôi trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh bình quân đạt gần 11 ngàn tấn. Tuy nhiên sản lượng, chất lượng sản phẩm được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này.
Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả nuôi trồng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ quan chức năng đang triển khai xây dựng đề án phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá TG-CH giai đoạn 2021-2025. Một trong những hướng đi mới được ngành nông nghiệp, các địa phương hướng đến là mô hình liên kết nuôi trồng các loại thủy đặc sản theo “chuỗi giá trị”. Ngành thủy sản, chính quyền địa phương, HTX, chi hội nghề cá có trách nhiệm vận động, tuyên truyền, làm cầu nối liên kết giữa các hộ nuôi với nhau, giữa các hộ với DN để được cung ứng giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, ứng phó dịch bệnh và bao tiêu, chế biến sản phẩm.
Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trường đại học Nông lâm-Đại học Huế đang triển khai các mô hình thí điểm sản xuất giống cá đặc sản như mú, chình, hồng, dìa, nâu, vẩu… Việc sản xuất giống không chỉ hướng đến chủ động nguồn giống nuôi mà còn chấm dứt tình trạng khai thác giống ngoài tự nhiên, tránh nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường, mất cân bằng sinh thái. Khi thành công sản xuất nguồn giống sẽ góp phần phát triển mô hình khai thác, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững trên vùng đầm phá. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, dịch vụ tiêu thụ, chế biến sản phẩm kết hợp phục vụ phát triển du lịch sinh thái đầm phá TG-CH.
Mục tiêu của đề án phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá TG-CH giai đoạn 2021-2025 còn hướng đến bảo tồn, khai thác nguồn lợi thủy sản, giống thủy đặc sản hợp lý trong vùng đầm phá TG-CH; bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ an toàn các nguồn gen thủy sản quý hiếm, có tiềm năng, giá trị kinh tế đang có nguy cơ bị khai thác quá mức. Tỉnh và ngành nông nghiệp tập trung quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, sản xuất và ươm giống thủy đặc sản; phát phát triển các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá gắn với khai thác hợp lý, thúc đẩy nghề cá, phục vụ du lịch…
Bài, ảnh: Hoàng Triều