ClockThứ Sáu, 29/11/2019 14:15

Hương Thủy: Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới

TTH - Không để xảy ra nợ đọng, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, vận động chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế... là những điểm nổi bật của Hương Thủy trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xi măng Đồng Lâm đồng hành xây dựng nông thôn mớiMô hình dòng họ văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mớiNông thôn mới là nâng thu nhập, cải thiện đời sống

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng hoa cúc sang trồng hoa hồng, kinh tế gia đình ông Nguyễn Ngọc Tuấn ngày càng đi lên

Đầu tư dứt điểm, tạo niềm tin từ người dân

Hương Thủy bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2010, trong đó, giai đoạn 2010-2015 đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Thủy Thanh, Thủy Tân và Dương Hòa. Theo kế hoạch đến năm 2020, 4/7 xã còn lại sẽ về đích NTM.

Với quyết tâm cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, năm 2017, Thủy Phù được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2018 thêm 2 xã Thủy Bằng và Phú Sơn và đến tháng 10/2019, Thủy Vân - địa phương cuối cũng đã được công nhận xã NTM, giúp Hương Thủy là đơn vị cấp huyện đầu tiên của Thừa Thiên Huế hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trước kế hoạch 1 năm.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn của 7 xã từ khi bắt đầu xây dựng đến khi được công nhận đạt chuẩn NTM là gần 840 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn bổ sung). Kinh phí này được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách của Trung ương, tỉnh, thị xã và các xã hơn 548 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp gần 200 tỷ, chiếm hơn 25%, bên cạnh vốn lồng ghép, nguồn huy động từ các doanh nghiệp và các HTX. Điều đáng nói, trong xây dựng cơ bản, các địa phương không để xảy ra nợ đọng.

Để làm được điều này, kinh nghiệm của Hương Thủy là bố trí nguồn lực tập trung, không manh mún, dàn trải. “Nói nôm na là mình có 10 đồng, nếu chia đều cho 10 xã thì không biết khi nào mới làm xong. Thay vì như vậy, Hương Thủy đầu tư tập trung, dứt điểm, xong nơi này sẽ đầu tư nơi khác”, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy chia sẻ.

"Việc xã hội hóa, huy động sức dân cùng chung tay thông qua những lần vận động, tuyên truyền cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp thị xã hoàn thành tốt xây dựng cơ bản. Minh chứng là đã huy động cộng đồng được 5,5 tỷ đồng, con em xa quê hương đóng góp 1,3 tỷ đồng, hiến 15.130m2 đất, 50.830 ngày công và một số tài sản khác trên đất để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá thôn...", ông Tập nói thêm.

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, việc phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân với quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên tinh thần công khai, minh bạch cũng được Hương Thủy đặc biệt chú trọng.

“Trong quá trình giám sát thi công đường sá ở thôn Bằng Lãng, tôi và các thành viên thấy các anh em thi công rất nhiệt tình, thực hiện đúng theo thiết kế qua từng cân xi măng, sắt thép. Điều này đã tạo niềm tin rất lớn với bà con nơi đây”, ông Nguyễn Văn Lợi, một trong những thành viên tham gia Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thôn Bằng Lãng (xã Thủy Bằng) khẳng định.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh

Theo ông Nguyễn Đắc Tập, trong xây dựng NTM, 2 tiêu chí khó thực hiện nhất là tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Do đó, song song với việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, thị xã đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị, tăng cường mở rộng việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng KHKT, bao tiêu đầu ra. 

Là hộ gia đình tiên phong trong việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã Thủy Phù, ông Trần Tân (thôn 1B) phấn khởi: “Trước đây gia đình tôi trồng rau màu theo kiểu “có chi trồng nấy”, buôn bán nhỏ lẻ, kinh tế bấp bênh. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình mạnh dạn áp dụng KHKT và chuyển sang hướng trồng rau sạch, chọn những loại rau màu thị trường đang cần và có giá cao. Hiện, gia đình không phải lo đầu ra khi có đơn vị bao tiêu tận vườn”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn Vân Thê Thượng - xã Thủy Thanh) chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng như nhiều hộ trong thôn sống nhờ nghề trồng hoa cúc. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ thị xã đưa về, tôi và gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng hoa hồng. Sau một thời gian, kinh tế gia đình đã khởi sắc, bởi hoa hồng có thể trồng và bán quanh năm với giá cao, trong khi hoa cúc chủ yếu chỉ vào dịp tết”.

Cùng với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi, trong quá trình xây dựng NTM theo hướng hiện đại và hài hòa, Hương Thủy luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà Hương Thủy đang và tiếp tục thực hiện trong chặng đường xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vững chắc yêu thương

Lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức trong tỉnh, các mạnh thường quân trên các mọi miền đất nước xây dựng vững chắc yêu thương trong lòng người dân biên giới.

Vững chắc yêu thương
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top