Tranh thủ trời nắng, bà Sào gieo đậu hạt cove để kịp thu hoạch ra Tết
Mất trắng nhiều diện tích rau màu
Sau những ngày mưa kéo dài, tranh thủ trời vừa tạnh, bà Nguyễn Thị Sào, ở tổ dân phố 10, phường Hương Xuân ra gieo hạt đậu cô-ve ở mảnh đất ngay trước sân HTX NN Đông Xuân. Trước đợt lũ đầu tháng 11, nhà bà trồng 1 sào cải, tần ô, đậu sắp thu hoạch thì mất sạch. “Coi như lỗ cả vốn cả công. Chừ chỉ trông trời mau tạnh ráo để trồng rau bán tết”, bà Sào nói.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Đông Xuân Nguyễn Văn Miên thông tin: Toàn HTX có 50 ha sản xuất rau màu, cây ăn quả (chủ yếu là ổi khoảng 10ha) và 1/2 trong số đó bị mất trắng trong đợt lũ. Hiện một số bà con đang bắt tay vào khôi phục sản xuất, số còn lại chờ thời tiết ổn định mới tiếp tục gieo trồng.
Với những đoạn kênh bị vỡ (chiều dài 100m), mương tiêu úng bị bồi lấp (khoảng 600 m3 đất), HTX đang chuẩn bị nạo vét để khơi thông và sửa chữa. “Kinh phí để tu bổ, khôi phục dự kiến khoảng gần 100 triệu đồng sẽ do HTX đầu tư để kịp sản xuất vụ đông xuân”, ông Miên cho biết.
Tại phường Hương An- “thủ phủ” trồng hành của Hương Trà bị thiệt hại nặng nề do ngập úng kéo dài. Chủ tịch UBND phường Hương An Phan Phước Thìn cho hay: Trước lũ, người dân Hương An đang hồ hởi vì hành được mùa, được giá. Bởi giá bán hành cao gấp đôi so với mọi năm (từ 15 ngàn đồng/kg tăng lên 30-35 ngàn đồng/kg). Chưa kịp vui mừng thì hai trận lũ liên tiếp đã làm mất trắng gần 25ha hành. Số còn lại do nằm ở chân ruộng cao nên thiệt hại ít hơn. Hiện, bà con đang khôi phục, chăm sóc lại những diện tích này để bán “được đồng nào hay đồng đó” và chờ đất ráo để trồng hành cho vụ mới.
“Gửi mạ trên trưa”
Thống kê sơ bộ, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do hai đợt lũ vừa qua trên địa bàn thị xã Hương Trà trên 31 tỷ đồng. Trong đó, riêng hoa màu, rau màu là trên 150ha, ước thiệt hại hơn 27 tỷ đồng. Hệ thống đê bao, kênh mương, cống bị sạt lở, hư hỏng ở nhiều điểm, gồm: 120m bê tông kênh mương ở Hương Vân bị hư hỏng, đập tràn Hồ Cửa bị xói lở, sạt lở đê nuôi trồng thủy sản, đê bao nội đồng và đê ngăn mặn tại Hải Dương trên 7.100m3, sạt lở 700m kênh mương tại Hương Chữ... |
Theo ông Trần Xuân Anh, Phụ trách Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, để khắp phục hậu quả thiên tai, kịp thời ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, ngay sau lũ, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo các địa phương kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, hồ đập, đê kè; đánh giá về mức độ hư hỏng của các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, để từ đó có biện pháp sửa chữa kịp thời, bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất vụ đông xuân 2017-2018 và kế hoạch phát triển nông nghiệp năm 2018.
Công tác khôi phục sản xuất được các xã, phường, HTX nông nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai. Ngoài tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu ngắn ngày và triển khai trồng mới, các đơn vị còn phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất. Tập trung nhân lực, phương tiện đồng loạt ra quân nạo vét kênh mương, tu bổ công trình thủy lợi hư hỏng, khơi thông dòng chảy... Các địa phương đã vận động Nhân dân tập trung cải tạo lại đồng ruộng, nhất là những địa điểm bị vùi lấp, xói lở; lựa chọn giống cây trồng phù hợp.
Trên các cánh đồng vùng rốn lũ Hương Xuân, Hương Toàn... do mới cạn nước chưa lâu nên việc tái sản xuất đang được triển khai. Tại xã Hương Phong, người dân đã bắt tay vào gieo mạ, tranh thủ “gửi mạ trên trưa” đối với các giống dài ngày; các địa phương khác đang chuẩn bị máy cày để làm đất sẵn sàng cho vụ đông xuân.
Ông Trần Xuân Anh cho hay, để giải quyết kịp thời nguồn giống phục vụ sản xuất, thị xã đã đề xuất tỉnh hỗ trợ 100 tấn lúa, 50 tấn lạc, 3 tấn ngô và 2 tấn rau màu các loại. Các địa phương cũng đang xây dựng phương án, đầu mối các đơn vị kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm nông sản, các đơn vị dịch vụ làm đất, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý môi trường cùng tham gia cung ứng hàng hóa và đầu tư sản xuất với Nhân dân.
Bài, ảnh: LIÊN MINH