Hành lá Hương An đang chờ doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm
Hướng đi mới
Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hương Trà tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, tăng cường liên doanh liên kết, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với doanh nghiệp (DN), liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Vụ đông xuân 2016-2017, HTX nông nghiệp Đông Toàn, Tây Toàn và Phú An phối hợp với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh (VTNN) thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa VTNA2, BT7 với quy mô 33 ha. Đây là mô hình liên kết chuỗi giá trị theo phương thức công ty cung cấp vật tư đầu vào, trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho bà con đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX NN Đông Toàn (xã Hương Toàn), ông Đoàn Dàng cho hay, giá lúa công ty thu mua cao hơn 500-1.000 đồng/kg so với giá trị trường nên hiệu quả kinh tế tăng từ 10-20% so với sản xuất đại trà và sản phẩm có đầu ra ổn định. Vụ đông xuân 2017-2018, tiếp tục hợp tác liên kết với diện tích 30ha. Năm nay, Công ty VTNN cam kết thu mua lúa tươi tại ruộng cho bà con nông dân.
Ngoài Công ty VTNN, Công ty Quế Lâm cũng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ với diện tích 4,6 ha tại Hương Toàn; Công ty TNHH ST Group đang phối hợp triển khai liên kết, tiêu thụ sản phẩm sen tại phường Hương Chữ và xã Hương Vinh; liên kết sản xuất lúa đỏ (huyết rồng) địa phương với doanh nghiệp tại xã Hương Phong; tôm thương phẩm ở Hải Dương...
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương nhìn nhận: “Dù mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản đang từng bước nhân rộng và phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, giải quyết được nhu cầu cấp thiết cho người dân trong sản xuất, tuy nhiên, trong số những mô hình đã và đang thực hiện, có rất ít mô hình được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô lớn như mô hình lúa VTNA2. Hiện, đa phần các sản phẩm trên địa bàn chưa có DN, công ty tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm có tính bền vững”.
Kết nối đầu ra cho sản phẩm
Mới đây, UBND thị xã Hương Trà đã tổ chức hội nghị xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm nông đặc sản địa phương, như: hành lá, nếp rằn, cây sen, thanh trà Hương Vân, bưởi đỏ Hương Hồ, bưởi cốm Hương Thọ; bún tươi Vân Cù, bánh tráng, bánh ướt Lựu Bảo...
Theo ông Trần Xuân Anh, phụ trách Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, ngoài cây sen (có tổng diện tích 55ha, sản lượng 110 tấn/năm) đang được xúc tiến liên doanh, liên kết trong sản xuất với Công ty ST Group thì các nông sản khác như hành lá (150ha, trong đó có 50ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP); nếp rằn (516ha, sản lượng 1.548 tấn /năm); thanh trà (95/120ha đã cho thu hoạch); bưởi đỏ (67ha); bưởi cốm (50ha) đều chưa có LKSX và bao tiêu sản phẩm. Nông dân chủ yếu bán cho người mua thu gom và bán ở các chợ đầu mối. Riêng thanh trà Hương Vân đã được công nhận nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế; bưởi đỏ và bưởi cốm đã xây dựng nhãn hiệu tập thể. Vì vậy, đây là những sản phẩm được địa phương chú trọng quảng bá, giới thiệu để xúc tiến liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Trước mắt, đã có 4 DN ký kết biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Trong đó, ngoài cây hành lá được DN lên kế hoạch thu mua số lượng lớn (để sấy khô làm gia vị), cây sen cũng được DN thống nhất hợp tác với HTX (triển khai trồng từ vụ đông xuân 2018-2019) thì sản phẩm bún tươi của làng nghề Vân Cù được Công ty Phú Đạt Gia chọn quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức lễ hội hành trình bún Việt (tổ chức vào tháng 9 này).
"Thời gian tới, Hương Trà sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ với các công ty, DN, vận động Nhân dân, HTX tham gia liên kết mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời hoàn chỉnh các quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau màu quy mô lớn, từng bước phân bố vùng nguyên liệu cho từng công ty, DN liên kết tiêu thụ", Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.
Bài, ảnh: Liên Minh