Nông dân Lê Đoàn, xã Hương Thọ chăm sóc thanh trà
Những mô hình hiệu quả
Thăm mô hình nuôi heo rừng, trồng rừng kinh tế của ông Nguyễn Bổ, xã Hương Thọ, một trong những điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Hương Trà, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi quy mô trang trại và ý chí quyết tâm làm giàu từ chính bàn tay, khối óc của ông.
Ông Bổ chia sẻ: Từng “trắng tay” vì nuôi lợn thịt, năm 2012, sau khi nghiên cứu, học hỏi mô hình nuôi heo rừng ở Phú Lộc, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và được sự hỗ trợ từ HND các cấp, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo rừng với kinh phí trên 300 triệu đồng. Đến nay, trang trại của ông Bổ đã mang lại nhiều “trái ngọt”. Khu vực chăn nuôi heo rừng thoáng mát, bảo đảm điều kiện nuôi “bán hoang dã” thả rông với quy mô đàn thường xuyên duy trì trên 150 con, trong đó có 30 heo nái; bình quân mỗi năm bán ra thị trường từ 330-350 con, đem lại nguồn thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng/năm. Đàn gà, vịt hơn 200 con để “lấy ngắn nuôi dài”, 1 ha rừng kinh tế vừa che phủ, tạo độ ẩm cho đất cũng đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Cũng ở xã Hương Thọ, gia đình ông Lê Đoàn “nổi tiếng” với mô hình trồng thanh trà, bưởi cốm được đầu tư khá hiện đại. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động khắp vườn nên không chỉ giảm công lao động, tiết kiệm nước mà vườn thanh trà, bưởi cốm của gia đình còn có năng suất cao hơn; bình quân, mỗi năm, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng.
Nhờ đầu tư SXKD hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở Hương Trà mỗi năm thu lãi từ 70 triệu đến vài trăm triệu đồng. Từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã có nhiều nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các trang trại, gia trại có doanh thu 800 triệu – 1,5 tỷ đồng mỗi năm; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, như ông Nguyễn Đông ở xã Hương Bình, ông Lê Viết Ngọc ở Hồng Tiến, bà Nguyễn Thị Minh và ông Huỳnh Hồng Sơn ở xã Hải Dương...
Khai thác lợi thế từng vùng
Theo đánh giá của HND thị xã Hương Trà, 6 năm qua, hội viên nông dân đã ra sức thi đua thực hiện phong trào nông dân SXKD giỏi, cùng giúp nhau vượt khó vươn lên làm giàu; qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD có hiệu quả, như mô hình nuôi xen ghép các loại thủy sản, nuôi cá lồng trên sông, trồng sen lấy hạt, trồng hành theo hướng VietGap, trồng rừng gỗ lớn tập trung...
Không những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nông dân đã tìm tòi, học hỏi để góp phần nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, mở thêm ngành nghề mới theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng.
Nhiều hộ nông dân đã biết nắm bắt nhu cầu của thị trường, hạch toán kinh tế trong đầu tư SXKD, đa dạng hoá ngành nghề. Các nghề truyền thống được nhiều hộ nông dân SXKD tham gia tích cực vào việc giải quyết việc làm ở nông thôn như nghề làm bún Vân Cù, mộc mỹ nghệ Xước Dũ, bánh tráng Lựu Bảo, nước mắm ở Hải Dương...
Cùng với tỉnh, phong trào nông dân thi đua SXKD ở Hương Trà phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả số lượng và chất lượng, từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương “nông dân SXKD giỏi”, “nông dân điển hình tiên tiến”, nhiều “gia đình nông dân văn hóa”. Đây cũng chính là những đóng góp tích cực của HND trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân. Thông qua đó, vai trò, vị trí của HND ngày càng được khẳng định.
Bài, ảnh: Liên Minh