Nông dân Hương An thu hoạch hành lá
Từ mô hình nhỏ
Đầu năm 2016, HTX nông nghiệp Phú An, phường Hương Chữ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình trồng rau hữu cơ tại địa phương, với các chủng loại như, xà lách, rau dền, cải bẹ xanh và mồng tơi. Đầu ra sản phẩm do công ty bao tiêu toàn bộ. “Ban đầu, chúng tôi dự kiến sẽ gieo trồng trên diện tích 2 ha (thuộc tổ dân phố 7 và 11) với 20 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, do điều kiện các tuyến kênh mương nội đồng chưa đảm bảo, việc sản xuất rau hữu cơ đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện như đất trồng cây có mái che, hệ thống tưới tự động... nhưng địa phương chưa có nên bước đầu chỉ có 2 hộ dân tham gia triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 5 sào”, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú An Hồ Văn Hải nói.
Ông Lê Quang Dũng, tổ dân phố 11, (phường Hương Chữ) - 1 trong 2 hộ tham gia trồng thử nghiệm chia sẻ: “Qua 2 vụ thu hoạch cho thấy, mô hình trồng rau hữu cơ (không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học) có hiệu quả kinh tế không thua kém trồng rau bình thường. Nếu được hỗ trợ trong đầu tư làm nhà lưới, mái che chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong mở rộng diện tích và chủng loại. Những người làm nghề nông như chúng tôi ai cũng mong muốn làm ra những sản phẩm không chỉ an toàn với sức khỏe gia đình mà còn an toàn cho cả người tiêu dùng”.
“Dù kết quả bước đầu khá khiêm tốn, nhưng chúng tôi vẫn rất vui”, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú An hồ hởi. Vui vì cùng với sự tuyên truyền hướng dẫn của HTX và từ thực tế những mô hình được thử nghiệm, qua đó, nhiều nông dân Hương Chữ đã “thấy” được hiệu quả của việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, thay vì sử dụng phân bón hóa học đa lượng (NPK), nhiều người dân đã chuyển sang dùng các sản phẩm phân hữu cơ vi sinh cùng với các loại phân chuồng hoai mục trên đồng ruộng của mình.
Đến đề án lớn
Được xem là “thủ phủ” trồng hành của Hương Trà (với hơn 60 ha), cây hành Hương An không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn “hút khách” tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định. Cao điểm, 1 ngày, Hương An cung cấp cho thị trường 12 tấn hành, thu nhập từ 8-25 triệu đồng/tấn. “Lâu nay, đa phần bà con trồng hành chưa “an toàn”. Nông dân vẫn sử dụng phân hữu cơ và phân chuồng. Nhưng đối với thuốc bảo vệ thực vật (nằm trong danh mục cho phép) thì liều lượng cũng như thời gian phun và việc cách ly trước thu hoạch chưa kiểm soát được. Dẫn đến khi thu hoạch, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong hành”, Phó Chủ tịch UBND phường Hương An Nguyễn Xuân Chớ nhìn nhận..
Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với phường Hương An về việc triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (hành lá) theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn. Mô hình sẽ được trồng với diện tích 12 ha thuộc thôn Bồn Phổ và thôn Cổ Bưu với 160 hộ dân tham gia. “Trước mắt, nguồn nước cũng như chất đất tại đây sẽ được kiểm tra, thử lại để đảm bảo không ô nhiễm; các hộ dân được tập huấn quy trình trồng hành lá theo hướng VietGAP. Chúng tôi cũng đã thống nhất với các hộ tham gia trong việc thành lập các tổ, nhóm để người dân tự giám sát trong quá trình trồng, bơm, tưới... đảm bảo tiêu chuẩn”, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương An Nguyễn Táo cho biết thêm.
Theo kế hoạch, sau vụ thu hoạch đậu phụng, đến tháng 7 tới, phường sẽ triển khai mô hình trên. Vì vậy, nếu được hỗ trợ về kinh phí, mô hình không chỉ gói gọn ở quy mô hiện nay mà sẽ nhân rộng ra toàn phường”, Phó Chủ tịch UBND phường Hương An nói.
Giám đốc HTX nông nghiệp Phú An Hồ Văn Hải chia sẻ: “Sắp tới HTX sẽ xây dựng đề án “dài hơi” về sản xuất rau an toàn, trong đó có dự kiến kinh phí, quy mô đầu tư nhà kính để trồng những loại rau màu có thế mạnh hiện nay của địa phương như kiệu, hành, mướp đắng... để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ”.
Trao đổi với Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, ông Lê Văn Anh cho biết: “Hiện, tổng diện tích gieo trồng rau màu toàn thị xã Hương Trà khoảng 720 ha; tập trung ở các phường Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân. Trong định hướng phát triển nông nghiệp đến 2020, Hương Trà sẽ xây dựng những vùng rau an toàn với diện tích 100 ha tại các địa phương trên và đề án này đến 2017 sẽ được triển khai”.
Liên Minh