Kiểm lâm A Lưới khảo sát rừng cho kế hoạch sản xuất dưới tán rừng
Tiềm năng lớn
Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng, ông Hoàng Văn Đông, từ năm 2014-2015, được sự hỗ trợ của dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông (BBC), xã đã trồng thí điểm 100 cây mây nước DTR; thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, chỉ sau một năm, mở rộng diện tích lên 60 ha. Một số dự án khác hỗ trợ trồng thêm 30 ha, nâng diện tích rừng mây DTR trên địa bàn xã lên gần 100 ha.
Ông Đông đánh giá, bước đầu cây mây đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi ha trên 150 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế, giảm áp lực dựa vào rừng tự nhiên đối với người dân. Theo kế hoạch, từ 2018-2025, xã Thượng Quảng sẽ được trồng bổ sung cây bản địa có giá trị kinh tế với diện tích 660 ha, trồng mây DTR 50 ha và sẽ có một cộng đồng làm du lịch sinh thái liên quan đất DTR.
Từ năm 2013, được sự hỗ trợ giống từ Chi cục Lâm nghiệp (cũ), các xã Hương Sơn, Hương Lộc, Thượng Long trồng hơn 30 ngàn cây mây nước nguyên liệu, đến nay hầu hết đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thuận lợi lớn đối với cây mây nguyên liệu là đầu ra ổn định, các thương lái vào tận vùng sản xuất để thu mua thông qua đường 74. Ông Hồ Xuân Nam ở xã Hương Sơn phấn khởi: "Ngày trước phải vào tận rừng sâu mới khai thác được mây, trèo đèo vượt suối nguy hiểm; bây giờ mây trồng ở các bìa rừng, DTR tự nhiên nên khai thác dễ dàng, thu nhập cao hơn".
Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông thông tin, ngoài các địa phương trên, tại các xã trên địa bàn huyện đều có tiềm năng phát triển kinh tế DTR. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2025, mỗi địa phương sẽ trồng bổ sung cây bản địa có giá trị kinh tế bình quân từ 54-75 ha và 20-80 ha mây DTR. Tại hai xã Thượng Lộ và Hương Lộc dự kiến trồng 7 ha cây dược liệu và Thượng Lộ còn xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện A Lưới cho biết, những năm qua, ngoài triển khai dự án trồng mây DTR, đơn vị phối hợp, hỗ trợ các địa phương trồng bổ sung các loài cây bản địa như sao đen, lim, gõ... DTR với diện tích 10 ha. Các diện tích sau khi trồng đều giao cho người dân quản lý, chăm sóc và hưởng lợi. Hầu hết các diện tích trồng bổ sung các loại cây bản địa DTR phát triển rất tốt, nhiều cây cao 5-7m, đường kính 10-15cm. Theo kế hoạch giai đoạn 2018-2025, toàn huyện trồng mới bổ sung thêm 55 ha cây bản địa và 150 ha mây nước DTR tự nhiên.
Tại các khu rừng ngập mặn rú Chá, xã Hương Phong (TX. Hương Trà), xã Quảng Lợi (Quảng Điền), người dân bắt đầu nuôi một số loài thủy sản DTR như cua, cá đặc sản. Các khu rừng ngập mặn còn là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tự nhiên, sinh sôi tạo điều kiện cho người dân đánh bắt, cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên vùng đầm phá Tam Giang.
Trồng các loại cây có giá trị kinh tế
Nhu cầu vốn dự kiến 73,42 tỷ đồng
Phạm vi đất dưới tán rừng chủ yếu tập trung tại các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và TX. Hương Trà. Đối tượng tham gia khai thác tiềm năng này gồm các chủ rừng, công ty lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình, cộng đồng dân cư, chủ trang trại. Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng đất dưới tán rừng giai đoạn 2018-2025 dự kiến 73,42 tỷ đồng.
|
Ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, khi bắt tay vào việc khai thác, phát huy hiệu quả đất DTR cần xác định loại cây trồng nào phù hợp với từng loại đất, địa phương khác nhau. Ngành nông nghiệp tuyển chọn giống để xây dựng mô hình có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Theo quy định phải lấy giống tại các khu rừng giống chuyển hoá từ rừng trồng và rừng tự nhiên có các loài cây bản địa có giá trị, cây lâm sản ngoài gỗ như mây, lá nón, dược liệu.
Đối với mô hình trồng bổ sung cây bản địa có giá trị sẽ lựa chọn, xác định các loài cây như lim xanh, sao đen, chò, gõ, huỷnh… phù hợp với điều kiện lập địa của từng vùng sinh thái. Tùy thuộc vào hiện trạng tài nguyên rừng hiện có về mật độ, độ che để xác định các biện pháp kỹ thuật tác động phù hợp; mật độ trồng bổ sung từ 200 - 500 cây/ha.
Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng của mỗi khu vực, lựa chọn loài mây như mây nước, mây tắt… để trồng DTR tự nhiên, hoặc rừng trồng có độ che, với mật độ trồng từ 1.650 – 2.000 cây/ha. Mô hình trồng cây dược liệu sẽ dựa vào điều kiện tự nhiên, trạng thái thực bì, đặc điểm của đất đai nhằm lựa chọn cây trồng phù hợp như ba kích, cà gai leo, sâm câu, sa nhân… Tre lấy măng sẽ chọn giống phù hợp với những vùng đất cao ráo, không ngập úng.
Theo ông Dự, chăn nuôi DTR là hình thức sản xuất dựa trên cơ sở tận dụng tiềm năng sẵn có của môi trường rừng để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, nhưng không gây hại đến sinh thái và phát triển rừng bền vững. Chăn nuôi DTR gồm dê, bò, lợn rừng… chủ yếu bằng phương thức chăn thả ban ngày và nhốt vào ban đêm. Chuồng trại được làm đơn giản, song phải đảm bảo tránh được mưa nắng, gió lùa.
Nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng ngập mặn tạo môi trường sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản, cung cấp các chất thải hữu cơ làm thức ăn cho các loài sinh vật. Cây rừng tạo bóng râm, gốc và rễ cây là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh vật. Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rừng vừa nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng. Loài cây trồng rừng ngập mặn chủ yếu là đước, bần, dừa nước.
Bài, ảnh: Hoàng Triều