ClockThứ Tư, 25/09/2019 07:00

Kinh tế đầm phá trong xây dựng nông thôn mới - Kỳ 1: Hồi sinh

TTH - Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản (NLTS), nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu là hướng đi mới của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đầm phá, ven biển.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quảPhát triển vùng ven biển, đầm phá; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Từ ngày các khu bảo vệ thủy sản (BVTS) được thành lập kết hợp tái tạo, NLTS vùng đầm phá Tam Giang -Cầu Hai đã thật sự hồi sinh trở lại, tạo nguồn sinh kế. 

Đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang

Tôm, cá trở về

Từ khi “bén duyên” với nghề sông nước đến nay, ông Trần Công ở xã Lộc Bình (Phú Lộc) chưa thôi khát vọng đổi đời từ nghề đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá. Ấy vậy mà một thời gian dài, nạn khai thác hủy diệt khiến NLTS suy kiệt, nghề đánh bắt cá, tôm dường như rơi vào “ngõ cụt”.

Vực dậy NLTS vùng đầm phá không còn con đường nào khác là quản lý chặt hoạt động khai thác gắn với tái tạo NLTS. Câu chuyện hồi sinh NLTS bắt đầu từ 10 năm trước khi tỉnh có chủ trương xây dựng, thành lập các khu BVTS, cấp quyền khai thác, quản lý mặt nước, hình thành rạn nhân tạo…trên vùng đầm phá.

Từ khi thành lập các khu bảo vệ NLTS tại Hòn Núi Quện, Gành Lăng và Đập Làng đã mở ra cơ hội đối với ông Trần Công cũng như các hộ ngư dân xã Lộc Bình trong cuộc mưu sinh với khát vọng làm giàu từ vùng đầm phá. Thấm thía mất mát khi cuộc sống khốn khó, ông Công và người dân Lộc Bình ý thức, trách nhiệm hơn trong quá trình bảo vệ NLTS.

Các khu BVTS ra đời như một hồi chuông thức tỉnh người dân sau một thời gian dài đánh bắt vô tội vạ, không quan tâm đến chuyện bảo tồn, tái tạo cho mai sau. Ông Công cùng với ngư dân Lộc Bình từ đó đã xóa bỏ tập quán đánh bắt hủy diệt, bỏ hẳn nghề giã cào, các loại lừ mắt lưới nhỏ được thay bằng mắt lưới lớn để đánh bắt các loại thủy sản cỡ lớn…Các đợt thả thủy sản về vùng đầm phá của ngành thủy sản và chính quyền địa phương còn giúp ngư dân ý thức hơn trong việc bảo vệ NLTS chính là bảo vệ “mạch sống” cho mình.

Chừng 5 năm sau, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế dần dần sinh sôi trở lại như cua đồng, cá bống thệ, cá kình, cá mú, hồng, nâu… “Trước đây, suốt ngày rong ruỗi trên đầm phá chỉ kiếm được vài chục con tôm, con cá. Bây giờ, chỉ cần vài trộ lưới cũng có thể thu được vài kg thủy sản các loại, cho thu nhập 300-500 ngàn đồng”, ông Công phấn khởi.

 Đánh bắt thủy sản là thế mạnh kinh tế của người dân đầm phá xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)

Thu nhập 10 triệu đồng/tháng

Đến bây giờ, ông Trần Viết Phương ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong (TX. Hương Trà) vẫn không thể ngờ các loài cá, tôm có giá trị kinh tế một thời bị tận diệt nay đã phục hồi, sinh sôi trở lại. 

Khu BVTS Cồn Sầy thành lập, được quản lý nghiêm ngặt gắn với tái tạo NLTS có lẽ là bước ngoặt mới trong cuộc mưu sinh của người dân vùng đầm phá. “Hơn 3 năm nay, NLTS sinh sôi, nghề đánh bắt thủy sản phục hồi trở lại. Trừ những ngày bão lũ, hầu như ngày nào cũng thu nhập vài trăm ngàn đồng. Có ngày trúng đậm, từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Cuộc sống nhờ vậy từng bước ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học”, ông Phương trải lòng.

Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong từng bị kiểm điểm trách nhiệm vì khu vực Cồn Sầy vào danh sách “báo động đỏ” khi NLTS suy giảm nghiêm trọng do nạn đánh bắt hủy diệt. Từ khi khu BVTS Cồn Sầy thành lập, được bảo vệ nghiêm ngặt kết hợp tái tạo NLTS, đến nay, các loài rong hẹ phục hồi với mật độ khá dày, các loài thủy sản có giá trị sinh trưởng ngày càng nhiều. Mỗi hộ ngư dân thu nhập cả chục triệu đồng/tháng.

Các loài thủy sản tại khu vực đầm phá Vũng Mệ thuộc xã Quảng Lợi (Quảng Điền) một thời bị khai thác tận diệt, suy kiệt khiến ngư dân thiếu nguồn sinh kế, đời sống bấp bênh. Khu BVTS Vũng Mệ ra đời, trở thành “tổ ấm” cho nhiều loài thủy sản cư trú, sinh sôi.

Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn Hà Công, xã Quảng Lợi đánh giá, việc thành lập các khu BVTS không chỉ là “mái nhà lý tưởng” cho thủy sản sinh sôi mà còn giáo dục ý thức, trách nhiệm của ngư dân bảo vệ, tái tạo NLTS. Từ khi thành lập đến nay, các loài thủy sản tại khu BVTS Vũng Mệ sinh sôi ngày càng nhiều. Các loài thủy sản có giá trị kinh tế như tôm đất, cá bống đao, cá bống mũ, cá dầy… tăng đột biến. Các hộ ngư dân thu nhập 10 triệu đồng/tháng, đời sống ổn định, có cơ hội khá giả.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc thành lập các khu BVTS dựa vào cộng đồng từng bước thực hiện chính sách của Nhà nước về việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Chưa có con số thống kê, phân tích cụ thể nhưng có thể thấy sự cải thiện sinh kế của ngư dân khi có hệ thống khu BVTS là rất rõ. Nguồn cua giống, cá dìa giống, cá mú, hồng, nâu, dìa thương phẩm trong khu bảo vệ phát tán ra khu vực xung quanh, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân. Thống kê sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi năm, mỗi địa phương có khu BVTS thu nhập bình quân trên 7 tỷ đồng/năm.

Thành lập 25 khu bảo vệ thủy sản

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trải dài 68 km thuộc địa bàn 4 huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và TX. Hương Trà (dân số chiếm 33% toàn tỉnh) với diện tích mặt nước khoảng 22 ngàn ha. Hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này có trên 921 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá, nhiều nhất là bộ cá vược (106 loài) và các loại cá có giá trị kinh tế như cá nâu, dìa, kình, ong, tôm rảo, cua...

Đến nay, toàn tỉnh thành lập 25 khu BVTS với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 650 ha. Chi cục Thủy sản và các địa phương tổ chức thả khoảng 400 “rạn” (lùm cây, bụi trên vùng sông đầm), tạo nơi trú ẩn an toàn cho tôm, cá; thả bổ sung, tái tạo hơn 700 ngàn con tôm sú, cá dìa giống, cá đối, cua… Toàn tỉnh thành lập hơn 50 chi hội nghề cá để quản lý, bảo vệ NLTS.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Kỳ 2: Nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Return to top