Nông dân A Lưới, đa phần đồng bào dân tộc, được sản xuất trên cánh đồng ngô an toàn sinh học
Nông dân hưởng ứng
Mới đây, UBND huyện A Lưới đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm), Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho các hộ nông dân tại địa phương này.
Ông Hồ Văn Trình, đại diện cho 70 hộ dân trồng ngô và đậu tương theo chuỗi sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Quảng Nhâm (A Lưới) cho biết, thôn Pi Ây 1 thuộc xã Quảng Nhâm nằm dọc theo sông Tà Rinh có đất đai bằng phẳng, màu mỡ. Toàn thôn có 210 hộ dân với 40 ha diện tích đất màu, trong đó có 30 ha chuyên trồng ngô với năng suất bình quân 50 tạ/ha, đem lại thu nhập khoảng 750 triệu đồng/vụ.
Việc trồng cây ngô vốn quen thuộc với người dân nơi đây và bà con đã biết thâm canh, tăng năng suất. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, như sâu keo hại ngô gây thiệt hại năng suất, giảm thu nhập của nông dân.
Do điều kiện thời tiết, khí hậu đặc trưng, miền núi A Lưới thường mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 8 hàng năm nên việc trồng ngô 2 vụ rất khó thực hiện vì không có nắng để phơi, người dân lại chưa có máy sấy. Vì vậy, bà con bắt buộc phải trồng cây sắn xen với ngô, nhằm tiết kiện công làm đất, cỏ và phân bón. Tuy nhiên, cách làm này khiến đất bạc màu, khô cứng, nghèo dinh dưỡng, mặc dù được đầu tư nhưng năng suất cây ngô tăng không đáng kể.
Cuối năm 2020, sau khi UBND huyện ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, các hộ dân được cử tham quan học hỏi phương pháp sản xuất hữu cơ của tập đoàn. Tập đoàn cũng đã ký kết việc chuyển giao, hướng dẫn quy trình trồng ngô hữu cơ và đầu tư đầu vào cho bà con giống, phân bón, chế phẩm sinh học, đồng thời cam kết thu mua giá cao hơn từ 10-20% so với giá thị trường.
Hiện, đã có 70 hộ dân tham gia mô hình chuỗi sản xuất hữu cơ trồng ngô và đậu tương trên diện tích hơn 8 ha tại xã Quảng Nhâm. Đây thực sự là bước đi giúp nông sản hữu cơ A Lưới bước đầu sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa và mở ra cơ hội thu nhập khá cao cho bà con nông dân.
“Hiện, Tập đoàn Quế Lâm mới chỉ ký kết thu mua ngô vụ đông xuân, trong khi vụ hè thu mưa nhiều, ẩm độ cao, sản phẩm ngô chưa được phơi khô nên nông dân còn gặp khó khăn. Các hộ dân đề xuất có giải pháp đầu tư máy sấy nông sản và nghiên cứu loại cây xen canh để người dân không mất vụ và tăng thu nhập trên diện tích đất”, ông Hồ Văn Trình đề xuất.
Kinh tế tuần hoàn
Ngoài tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền), Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai nhiều mô hình chăn nuôi ATSH tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân đều được tập đoàn này cam kết bao tiêu.
Mới đây, Tập đoàn Quế Lâm đã hỗ trợ hộ dân Trần Thị Huệ (thôn Bình Sơn, xã A Ngo) xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín với quy mô 200 lợn thịt và 10 lợn nái. Với việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi ATSH, khép kín, không sử dụng nước tắm, dội chuồng nên không gây ô nhiễm môi trường. Sau mỗi vụ nuôi, lớp phân vi sinh có thể được sử dụng làm phân bón, bán với giá 25-30 nghìn đồng/bao (loại 25kg).
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh bằng việc ứng dụng công nghệ men vi sinh sử dụng trong thức ăn, nước uống, phun sương và nhất là sử dụng đệm lót sinh học khá còn mới mẻ tại địa phương. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi này đã được “kiểm nghiệm” qua đợt dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh với nhiều trang trại, gia trại đã vượt qua dịch bệnh, chăn nuôi thành công.
Chăn nuôi theo phương pháp ATSH bằng chế phẩm vi sinh sẽ giúp an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả cao, chủ động sản xuất, kiểm soát được chất lượng đầu vào đầu ra; cho giá thành phù hợp, chất lượng thịt cao, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm đánh giá, hiện trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã đầu tư một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi ATSH và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến. Đây là xu hướng tất yếu ở các địa phương. Ở đó, nông nghiệp mới tận dụng được hết tài nguyên, tất cả các sản phẩm của từng công đoạn đều có giá trị trong mỗi chuỗi sản xuất.Như Tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền là mô hình hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mà các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng đến.
Liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, ngành chăn nuôi ở các địa phương đang trên đà phục hồi sau dịch bệnh. Vấn đề ở chỗ, khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp lớn đảm bảo được ATSH, nhưng quan trọng nhất là khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 65%, thì tái đàn rất khó khăn do con giống đắt đỏ và vấn đề an toàn dịch bệnh. Nhiều nơi nông dân vẫn “sợ” khi tái đàn do dịch bệnh rình rập. Mô hình Tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F với triết lý kinh tế tuần hoàn đã giải quyết được câu chuyện đó. Dự án này hoàn thành cùng hệ sinh thái sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác để phục vụ cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, HTX, doanh nghiệp nhỏ. Thông qua mô hình này, các địa phương sẽ xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì bỏ đi và không ai bị bỏ lại phía sau!
Dự án Tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F được xây dựng trên diện tích 40 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. DA sẽ xây dựng nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, men vi sinh theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất sản xuất 50 nghìn tấn/năm nhằm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ với công suất thiết kế 100 nghìn tấn/năm phục vụ chuỗi chăn nuôi ATSH và chuồng trại chăn nuôi quy mô 8 đến 10 nghìn heo thịt, nái.
Bài, ảnh: Hà Nguyên