ClockThứ Năm, 07/07/2016 14:10

Liên kết sản xuất giống lúa xác nhận

TTH - Mô hình liên kết, tiêu thụ các loại giống lúa xác nhận 1 trên cánh đồng các HTX NN Thủy Tân, Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, mở ra triển vọng sản xuất hạt lúa mang tính hàng hóa…

 Nông dân hưởng lợi

Được tham quan mô hình sản xuất giống lúa HT1, BT7 trên cánh đồng các HTX NN Thủy Tân, Thủy Phù mới thấy được niềm phấn khởi của bà con nông dân tại đây. Đây là mô hình khuyến nông Quốc gia thuộc dự án Xây dựng và Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung do Công ty CP Giống cây trồng - Vật nuôi tỉnh (Cty CPGCTVT tỉnh) hỗ trợ triển khai trên địa bàn.

Tham quan mô hình sản xuất giống lúa HT1 trên cánh đồng Thủy Tân

Ông Nguyễn Quang Hồng, Giám đốc HTX NN Thủy Tân cho biết: “Vụ hè thu năm nay, được sự hỗ trợ của Cty CPGCTVN tỉnh, HTX triển khai trồng 25 ha giống lúa chất lượng cao, xác nhận 1 HT1 với 34 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo trồng các giống lúa truyền thống. Các hộ dân tham gia, ngoài được HTX cung ứng từ khâu làm đất, thủy lợi, còn được công ty hỗ trợ 100% chi phí nguồn giống, 30% chi phí vật tư nông nghiệp (VTNN) hỗ trợ về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm 100%”.

Tranh thủ đi thăm đồng, ông  Nguyễn Quang Sinh (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) góp chuyện: “Hộ gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất này đến nay đã 7-8 vụ, hiện trồng 2 mẫu lúa giống HT1. Sản xuất giống HT1 ngoài tuân thủ quy trình kỹ thuật của công ty, cán bộ kỹ thuật về tận ruộng hướng dẫn người dân từ công tác gieo sạ đến khối lượng phân bón; công ty còn bao tiêu sản phẩm lúa tươi bằng giá lúa khô ngoài thị trường, nên nông dân rất có lãi”.

Ông Lê Hòe, xã viên HTX NN Thủy Phù nhẩm tính: “Tham gia mô hình liên kết giống xác nhận 1, rõ ràng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các xứ đồng trồng lúa khác. Cụ thể, như hộ gia đình tôi trồng 6 sào giống BT7. Giá bán của giống lúa này khoảng 7,5 nghìn/kg lúa tươi, cao hơn hẳn các giống lúa trồng lâu nay từ 1,5-2 nghìn đồng/kg. Bình quân 1 sào, ước tính thu được hơn 2,1 triệu đồng, trừ các chi phí khác 1,4 triệu đồng, vẫn còn lãi 700 nghìn đồng/sào”.

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Cty CPGCTVN tỉnh cho hay, ngay từ vụ đông xuân 2014-2015 và những vụ mùa tiếp theo, công ty triển khai mô hình liên kết và tiêu thụ giống lúa xác nhận 1 tại hai địa phương Thủy Tân và Thủy Phù với diện tích 50 ha giống lúa HT1 và BT7 của hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Kết quả cho thấy, năng suất bình quân các giống lúa đạt 59 tạ/ha, sản lượng hạt giống xác nhận 1 đạt 295 tấn (trong đó, 140 tấn giống BT7 và 155 tấn giống HT1). Công ty đã thu mua, chế biến được 281 tấn BT7 và HT1 và đã tiêu thụ hết.

Liên kết doanh nghiệp và nông dân

 Giám đốc Cty CPGCTVN tỉnh khẳng định: “Thông qua xây dựng mô hình tại hai điểm trình diễn ở Thủy Tân và Thủy Phù đã hình thành hai tổ nhóm có sự liên kết giữa các nông dân trong nhóm hộ, giữa nhóm hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ giống lúa với trên 200 hộ nông dân tham gia. Các nhóm hộ đã xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người dân, HTX và doanh nghiệp”. Tham gia mô hình liên kết, tiêu thụ các giống lúa xác nhận 1, các hộ nông dân thường xuyên thảo luận, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, có thể trao đổi với cán bộ kỹ thuật của công ty về quy trình sản xuất, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và trang bị kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết sản xuất từ giống lúa xác nhận

 Giám đốc HTX NN Thủy Tân đánh giá, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ cùng một xứ đồng, liền vùng liền khoảnh nên dễ dàng sử dụng đồng bộ cơ giới hóa làm tăng năng suất lao động, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, với phương thức doanh nghiệp thu mua giống lúa tươi tại ruộng, giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa thương phẩm đã qua phơi khô, làm tăng hiệu quả kinh tế của các hộ nông dân từ 27-30% và tăng trên 10 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức sơ kết 2 năm dự án Xây dựng và Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung. Qua 2 năm thực hiện dự án, TTKNQG triển khai các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xác nhận 1, năng suất đạt trên 5 tấn/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15-20% so với sản xuất đại trà. TTKNQG cũng phối hợp với 6 đơn vị doanh nghiệp cùng 6 TTKN của các tỉnh, thành miền Trung triển khai 523 ha các loại giống lúa xác nhận 1, đạt 97% kế hoạch với sản lượng đạt 2.300 tấn.

“Với mục tiêu dự án tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và tiêu thụ giống lúa chất lượng cao, xác nhận 1; trong đó, cốt lõi là nâng cao chất lượng giống lúa xác nhận và thu nhập của người nông dân, hai năm qua, dự án triển khai được gần 600 ha giống lúa xác nhận 1 và xây dựng nhiều mô hình, các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất cho người nông dân và vai trò của các HTX”, TS. Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG đánh giá.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Thi đua sản xuất giỏi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), với tổng số khoảng 700 thành viên. Các CLB được thành lập đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sản xuất, giúp hội viên, nông dân (HVND) vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thi đua sản xuất giỏi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top