Trang trại ông Võ Đại Lợi (trái) cho thu lãi ròng mỗi năm gần 250 triệu đồng
Nhiều trang trại có thu nhập cao
Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn quy trình kỹ thuật, ông Nguyễn Chí Lưu, thôn Hòa Lộc (xã Lộc Bổn) đầu tư phát triển chăn nuôi bò. Tích lũy vài năm, ông tiếp tục mua vài ha rừng và mở rộng buôn bán gỗ dăm, gỗ rừng trồng. Đến nay, ông Lưu có trong tay trang trại (TT) 10ha rừng trồng, đồng thời trở thành điểm thu mua gỗ dăm, gỗ rừng trồng lớn trong vùng. Thu nhập từ mô hình kinh tế này, ông Lưu sắm được ô tô hơn 1,2 tỷ đồng.
Bắt tay làm kinh tế vườn đồi, ông Võ Đại Lợi, ở thôn Hòa Vang (xã Lộc Bổn) có diện tích hơn 2ha, ông dành 1ha trồng cam và bưởi da xanh, phần còn lại đầu tư chuồng trại chăn nuôi dê và heo nái, heo thịt. Do trồng giống cam và bưởi chất lượng, cứ đến mùa thu hoạch, thương lái đến thu mua tại vườn với giá 1kg cam 40 ngàn đồng và 1kg bưởi 50-60 ngàn đồng. Chỉ tính riêng diện tích cam và bưởi đã cho gia đình ông nguồn lãi ròng hơn 100 triệu mỗi năm.
“Gia đình duy trì đàn dê gần 50 con, 2 con heo nái và 40 con heo thịt, lứa này xuất chuồng là có ngay lứa khác vỗ béo để chuẩn bị cung cấp ra thị trường. Mỗi năm, gia đình cũng có thêm nguồn lợi từ chăn nuôi 120 - 130 triệu đồng...” - ông Lợi chia sẻ.
Hiện, ông Lợi đang đầu tư mở rộng trang TT thêm 2ha trồng chuyên canh cam và bưởi. Tổng kinh phí đầu tư gần 1,5 tỷ đồng. Dự kiến trong 3 - 4 năm tới sẽ cho thêm nguồn thu đáng kể từ diện tích mở rộng này.
Khai thác hiệu quả kinh tế vùng gò đồi
Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn - Nguyễn Đức Phú cho biết, vùng gò đồi xã Lộc Bổn có diện tích hơn 1.611ha, chiếm 49% diện tích tự nhiên toàn xã. Để xây dựng một địa bàn chiến lược vững về kinh tế, từ nay đến năm 2025, địa phương xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi là một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của xã.
Bên cạnh việc trồng rừng lấy dăm gỗ, một số hộ ở Lộc Bổn chuyển sang trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, hàng năm khai thác trên 40ha gỗ có chứng chỉ FSC. Nhiều hộ đẩy mạnh sản xuất TT theo hướng kết hợp chăn nuôi và phát triển cây trồng cho sản phẩm mang tính hàng hóa như bưởi da xanh, cam, thanh long ruột đỏ...
Theo ông Nguyễn Đức Phú, kinh tế TT tuy mới phát triển nhưng có hiệu quả thiết thực, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giải quyết việc làm và hình thành tư duy kinh tế mới trong cộng đồng. Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế TT có quy mô hàng hóa; triển khai trồng đại trà các loại cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam, quýt và nhân rộng thanh long ruột đỏ, tiêu, ổi để tạo ra sản phẩm hàng hóa tại địa phương gắn với liên kết theo chuỗi giá trị… Đồng thời, xây dựng được các cơ sở chế biến nông sản, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản của bà con nông dân.
Trước tiên, các thôn có người dân trồng rừng tăng cường tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn, khuyến khích sử dụng giống mới có năng suất cao để nâng cao chất lượng gỗ, xen canh thêm các cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hỗ trợ HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến gỗ keo tại chỗ để khai thác hết tiềm năng kinh tế từ cây keo. Địa phương tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển vùng TT trên địa bàn; lồng ghép xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia để khai thác hiệu quả kinh tế vùng gò đồi theo chương trình đã đề ra.
Giai đoạn từ nay đến 2025, Lộc Bổn phấn đấu hàng năm khai thác trên 50ha gỗ có chứng chỉ FSC; giải quyết việc làm thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất đạt trên 300 lao động mỗi năm; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực...
Bài, ảnh: Bá Trí