Sạt lở biển tại xã Phú Thuận (Phú Vang) cần kinh phí đầu tư kiên cố lâu dài
Cấp thiết
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT, tính đến nay, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Trước thực tế trên, việc thực hiện lồng ghép yếu tố an toàn trước thiên tai, trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, gắn với mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016, “tiêu chí 3.2: Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” và Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 9/1/2017 ban hành Sổ tay hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, khó lường và không theo quy luật. Thực tế nhiều xã NTM vừa được công nhận chỉ sau một trận lũ, cơn bão thì nhiều thành quả đã bị mai một, thậm chí bị xóa sổ.
Năm 2020 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, trong đó 13 cơn bão trên biển đông, 263 trận dông, lốc, 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 82 trận động đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển,… ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.
Đặc biệt trong từ giữa tháng 9 đến nay, đã xảy ra bão, mưa, lũ lớn lịch sử tại khu vực Trung Bộ.
Nhiều công trình hạ tầng nhà cửa, đường sá bị thiệt hại do triều cường tại Phú Lộc
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT cho rằng, trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 vừa qua, cho thấy phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là lực lượng xung kích PCTT cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Việc thực hiện lồng ghép yếu tố an toàn trước thiên tai trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, gắn với mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như thành quả của các địa phương trong phong trào xây dựng NTM.
Tại hội nghị, các đại biểu đã giới thiệu tổng quan về xây dựng NTM và định hướng xây dựng NTM bền vững chủ động PCTT và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2025 và dự thảo sửa đổi bổ sung tiêu chí 3.2; những nội dung cơ bản của công tác PCTT trong xây dựng NTM, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích PCTT…
100% số xã đạt tiêu chí 3.2
Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 97 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (do có 7 xã được sát nhập), trong đó bổ sung 12 xã thực hiện quy hoạch NTM gắn với định hướng phát triển đô thị.
Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 62 xã /97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 63,9%. Trong đó có 56 xã đã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đang thẩm định, 2 xã đang làm hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn.
Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng NTM đã được các địa phương quan tâm thực hiện và được UBND cấp huyện phê duyệt điều chỉnh kịp thời, đáp ứng cho công tác xây dựng kế hoạch 2019-2020.
Nhiều điểm sạt lở núi trên địa bàn tỉnh cần có giải pháp nghiên cứu, ứng phó
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đơn vị này đã có Công văn số 1933/SNNPTNT-TL ngày 5/12/2018 đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan trên địa bàn nghiên cứu triển khai thực hiện tốt nội dung tiêu chí 3.2 “đảm bảo điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” khi xây dựng NTM theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Trong các năm 2018 đến 2020, Chi cục Thuỷ lợi đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn triển khai tiêu chí về thủy lợi trong NTM tại 76 xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có tiêu chí 3.2 “đảm bảo điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ”. Kết quả 100% số xã đạt tiêu chí này.
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã chọn huyện Quảng Điền và huyện Nam Đông triển khai xây dựng thí điểm huyện điển hình trong công tác PCTT; các huyện, thị xã và TP. Huế còn lại, mỗi địa phương chọn 2 xã/phường/thị trấn để triển khai thực hiện thí điểm phường/xã điển hình trong công tác PCTT; chỉ đạo các huyện, xã, phường được lựa chọn xây dựng điểm triển khai rà soát, bố trí cán bộ phụ trách công tác PCTT cấp huyện, cấp xã; bố trí trang thiết bị phục công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai.
Theo ông Trương Văn Giang, trong tình hình thiên tai và BĐKH ngày càng khắc nghiệt, để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống của Nhân dân, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ cho tỉnh phương tiện, vật tư để chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra, trong đó có hệ thống điện thoại vệ tinh, hệ thống bộ đàm vô tuyến điện. Ban chỉ đạo Trung ương PCTT đề xuất Chính phủ cho thực hiện chương trình, đề án tổng thể để áp dụng tiêu chí 3.2. “đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ”.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực, cụm dân cư đang sinh sống có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị trung ương có chính sách hỗ trợ kinh phí cho địa phương để thực hiện di dời các hộ dân này đến nơi ở an toàn. Nghiên cứu, xác định mức độ an toàn các cụm, điểm dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng trước nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vùng đồi núi của tỉnh.
Cần 1.400 tỷ đồng khắc phục thuỷ lợi
Nhằm khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra, đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế đưa vào chương trình cấp bách và huy động các nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB), vốn ADB hỗ trợ cho khoảng 1.400 tỷ đồng để khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, sớm ổn định đời sống Nhân dân.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên