ClockThứ Bảy, 13/05/2017 05:41

Mậu Tài nhân rộng mô hình trồng rau

TTH - Sau kết quả khả quan của một số hộ dân ở thôn Mậu Tài (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu, địa phương đã lập kế hoạch mở rộng diện tích, chọn những vùng đất phù hợp để nhân rộng mô hình.

Trồng rau màu giúp người dân Mậu Tài có thu nhập cao

Hiệu quả hơn nhiều lần trồng lúa

Từ năm 2013, một số hộ dân ở thôn Mậu Tài chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu khác nhau, như: rau cải, rau khoai, rau dền, xà lách, bí đao, mướp đắng, hoa cúc...

Ông  Trần Minh Anh, một trong những người chuyển từ trồng lúa sang trồng rau đầu tiên ở thôn Mậu Tài cho biết, gia đình ông có 1 ha ruộng, trước đây trồng lúa mỗi vụ thu hoạch được khoảng 50 tạ thóc, tính theo giá hiện tại là 560 nghìn đồng/tạ, mỗi năm 2 vụ; tổng thu (chưa trừ chi phí) của gia đình ông chưa tới 56 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng các loại rau màu, mỗi năm trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng.

Hàng xóm và cũng là bạn nông của ông Anh, ông Lê Viết Chiến chứng minh thêm: “Vợ chồng tui có 8 sào ruộng, trước đây cấy lúa xong chờ đến lúc gặt cũng mất 2 tháng, tui tranh thủ lên Huế phụ thợ nề; quanh năm vất vả cũng không mấy khi có tiền dư. Thấy bà con trồng rau có hiệu quả, tui bàn với vợ chuyển bớt 3 sào trồng rau. Chừ thì không phải làm thêm mà hàng năm chi tiêu xong vẫn có ít tiền để dành”.

Thôn Mậu Tài có khoảng 7 ha đất ruộng phù hợp để trồng rau màu. Khác với trồng lúa, rau màu có thể gieo trồng quanh năm, mùa nào thức ấy, mùa xuân có các loại rau, mùa hè bí đao, bí ngô, dưa hấu, cuối năm trồng hoa… Nhờ đó, người nông dân luôn có việc đều tay. Đàn ông cuốc đất, bón phân; phụ nữ gieo hạt, nhổ cỏ và thu hoạch nên thu nhập ổn định.

Hướng tới vùng rau an toàn

Bên cạnh việc khoanh vùng những khu đất phù hợp với việc trồng rau, chính quyền xã Phú Mậu nhận thấy một số khó khăn trước mắt của người dân khi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng theo hướng tự phát, như: hàng ngày phải gánh nước từ con hói nội đồng trong thôn, cách đó 30m vào tưới; không đủ điện chiếu sáng khi thu hoạch...

Giải quyết vấn đề này, từ đầu năm 2016, UBND xã giao HTX NN dịch vụ Phú Mậu 1 đầu tư hệ thống đường dây điện phục vụ việc chiếu sáng và tưới tiêu. Kinh phí đầu tư dự kiến hết 170 triệu đồng, đến nay HTX đã hoàn thành giai đoạn 1 với 74 triệu đồng để đưa đường dây hạ thế dài 250m vào khu vực sản xuất.

Ông Trần Toàn, 50 tuổi phấn khởi: “Trước đây mỗi ngày 2 buổi, sáng từ 5 giờ đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ cho tới khi mặt trời tắt, tôi phải ra sông gánh nước, mỗi ngày gánh 3 đến 4 trăm đôi nước có dung tích 30 lít mà tưới vẫn không đẫm đất. Bây giờ, mỗi tháng chỉ mất hơn 100 nghìn đồng tiền điện nhưng giảm được bao nhiêu là công sức”.

Theo ông Phan Đình Nghĩa, Giám đốc HTX NN dịch vụ Phú Mậu 1, đến nay toàn thôn Mậu Tài có hơn 20 hộ tham gia trồng rau màu. Hàng năm, từ tháng 9 đến hết tháng 10 âm lịch, những vùng đất trồng rau có thể bị ảnh hưởng do lụt, nhưng không đáng kể. Sản phẩm hiện cung không đủ cầu, có chăng là sự thay đổi giá cả theo thời vụ, nhưng ít nhiều người nông dân vẫn có lãi.

HTX NN dịch vụ Phú Mậu 1 đang xúc tiến để hoàn thành việc lắp đặt đường dây điện còn lại dài khoảng 500m đủ phục vụ toàn bộ vùng rau màu ở thôn Mậu Tài. Trước mắt HTX chịu 100% chi phí đầu tư, người dân chỉ trả tiền điện dùng hàng tháng, chờ đến khi bà con nhận thấy lợi ích từ hệ thống nước tưới và chiếu sáng sẽ bắt đầu thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: Để khuyến khích bà con chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu, UBND xã đang tiếp tục rà soát tìm những vùng đất phù hợp. Dự kiến trong thời gian ngắn sẽ nâng số hộ tham gia trồng rau ở thôn Mậu Tài lên từ 30 đến 50 hộ. Xã đang xây dựng kế hoạch cho 9 hộ nông dân xuất sắc của địa phương tiến hành trồng rau sạch trên diện tích 0,5 ha ở vùng biền Thanh Tiên để hướng tới đưa Phú Mậu trở thành vựa rau an toàn trên địa bàn huyện Phú Vang.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn

Với niềm đam mê chăn nuôi, trồng trọt, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh năm 1995 ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình “hệ sinh thái” tuần hoàn với nhiều sản phẩm đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu với mô hình hệ sinh thái tuần hoàn
Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả

TIN MỚI

Return to top