Anh Dảnh với niềm đam mê khởi nghiệp từ VAC
Với nhiều người, dịch COVID-19 là biến cố lớn. Riêng anh Nguyễn Văn Dảnh, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 2, anh xác định trở về quê hương lập nghiệp. Anh chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn với công việc thiết kế, trang trí nội thất, cuộc sống của mình dù khá ổn định nhưng ý nghĩ về quê vẫn luôn nung nấu. Khi công việc gặp khó khăn, những cánh đồng, những mô hình cứ lởn vởn trong đầu. Có lẽ dịch bệnh đã làm quyết tâm trở về quê hương của mình mạnh mẽ hơn”.
Mạnh dạn gom vốn liếng về quê, hành trang của anh Dảnh là những kiến thức được góp nhặt trên mạng xã hội. Việc trồng cây gì, nuôi con gì để vừa có đầu ra, vừa xoay vòng nhanh thúc bách. Nhận thấy đất đai ở quê còn rộng rãi, lại có sẵn diện tích ao tự nhiên, anh Dảnh quyết theo đuổi mô hình VAC để tối đa hóa doanh thu.
Anh Dảnh chia sẻ: “VAC là mô hình vô cùng phù hợp vì mình vừa tận dụng triệt để hiệu quả chất thải chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào, vừa không gây ô nhiễm môi trường”. Nhờ xác định hướng đi sớm, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại, đồng thời phân chia từng ô chuồng để đa dạng hơn đối tượng vật nuôi.
Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã thử nghiệm nhiều đối tượng nuôi khác nhau như ruồi lính đen, dế. Sau cùng, vào cuối năm 2020, anh chọn ổn định 7 ô nuôi với các đối tượng nuôi gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, cút thịt, cút đẻ, lợn thịt, ba ba. “Với vườn, lượng phân hữu cơ từ chuồng nuôi sẽ dùng để trồng chuối, khoai và các loại rau. Ngược lại, vườn cũng là nguồn cung cấp thức ăn cho gia cầm, gia súc và cá trắm cỏ, cá mè, cá trê, cá chim trắng trong ao”, anh Dảnh phân tích.
Trung bình mỗi tháng, chuồng nuôi của anh Dảnh xoay vòng 250 con vịt bơ (siêu thịt). Tùy thời điểm, giá vịt dao động từ 110 – 120 nghìn đồng/con. Chuồng nuôi lợn 10 con đều đặn 3 tháng xuất chuồng và mỗi ngày chuồng cút đẻ cho hơn hai nghìn quả trứng. Vừa chăm sóc, tỉ mỉ xem xét đàn gà sắp xuất bán, anh kể: “Ban đầu, mình không hề gặp thuận lợi vì gà, vịt hay lợn đều cần kỹ thuật chăn nuôi khác nhau. Vì vậy, vừa cập nhật kiến thức, mình vừa phải bố trí ô nuôi hợp lý để các đối tượng nuôi dung hòa và phát triển ổn định”.
Nhờ đó, chỉ với hơn 200m2 nền xi măng, trại nuôi gà, lợn, chim cút của anh Dảnh vẫn xuất bán đa dạng sản phẩm trứng, thịt gia súc, gia cầm. Ngoài ra, lợi nhuận từ chuối và rau màu, ao cá cũng ổn định. Trung bình mô hình VAC của anh đảm bảo nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Thạch, Bí thư Xã đoàn Lộc Tiến, nhận xét: “Mô hình VAC của Nguyễn Văn Dảnh là một trong những mô hình tiêu biểu tại địa phương. Mô hình đã cung cấp lượng thực phẩm an toàn ra thị trường từ lợn, cút, gà đến vịt, trứng. Không chỉ mang lại thu nhập cao, mô hình còn tạo động lực cho các đoàn viên, thanh niên khác mạnh dạn hơn, dám nghĩ dám làm để phát triển kinh tế, nhất là trong lúc khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.
Trong thời gian tới, ngoài mở rộng diện tích chuồng trại, anh Nguyễn Văn Dảnh còn nhắm đến việc phát triển thương hiệu để đảm bảo đầu ra. Anh chia sẻ: “Chẳng riêng mình, nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi thường có đầu ra bấp bênh. Vì thế, với mình quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng của rau màu, gia súc, gia cầm, sau đó tiếp tục mở rộng thị trường”.
Sẽ có nhiều con đường để người thanh niên lựa chọn về quê lập nghiệp này tiếp tục vun đắp ước mơ. Đó có thể là đăng ký trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm đầu ra ở các cửa hàng bách hóa hay cung ứng sản phẩm cho chuỗi siêu thị mini. Với anh Dảnh, hạnh phúc không chỉ là được ghi nhận và tạo ra thành quả từ nỗ lực, hạnh phúc còn đến từ công việc mang đến niềm vui và thu nhập trên chính mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: Mai Huế