Theo đó, năm 2018, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục mở cửa những thị trường có giá trị kinh tế cao.
Cùng với các địa phương, Cục sẽ hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn sản xuất Nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP để cải thiện năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp tham gia kết nối với các hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết, từ vùng trồng đến chế biến, xuất khẩu…
Chôm chôm hướng tới thị trường Hàn Quốc và New Zealand
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng, “dư địa” và cơ hội của ngành rau quả còn rất lớn trong thời gian tới, tuy nhiên để phát huy thế mạnh về xuất khẩu rau quả, thâm nhập những thị trường với giá trị kinh tế cao, doanh nghiệp và nông dân cần lưu ý đến vấn đề dịch hại và an toàn thực phẩm: “Để mở cửa thị trường phải giải quyết 2 rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả.
Bộ NN-PTNT cũng như các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp và hướng dẫn về mặt chuyên môn về kỹ thuật cho các địa phương qua đó đánh giá kiểm tra và công nhận cấp mã số vùng trồng cho những địa phương có các loại trái cây xuất khẩu.
Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”.
Năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 3,45 tỉ USD, vượt qua mặt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và cà phê. Sự phát triển vượt bậc ngành rau quả thời gian qua nhờ đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn trái đa dạng và phong phú, lựa chọn được từng loại cây ăn quả là thế mạnh của từng vùng cụ thể trên cả nước.
Theo VOV