ClockThứ Bảy, 26/06/2021 14:15

Nam Đông: Chuyển đổi cây trồng, ứng phó với nắng hạn

TTH - Chủ động nguồn nước tưới, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là những giải pháp được Nam Đông triển khai nhằm ứng phó với nắng hạn trong vụ hè thu năm 2021.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau bãoDứa Kaien tái ngộ trên đất Nam ĐôngThích ứng với biến đổi khí hậu: Nông dân phải ở thế chủ động

Người dân xã Hương Phú chuyển sang trồng hoa màu trên diện tích khô hạn, thiếu nước tưới

Vụ hè thu năm nay, anh Trương Minh Hào (thôn K4, xã Hương Phú) quyết định chuyển 5 sào chuyên trồng lúa sang trồng đậu lạc với hy vọng cải thiện năng suất.

Anh Hào chia sẻ: “Gia đình tôi có tất cả 8 sào lúa nhưng đến giờ chỉ có 3 sào là đủ nước tưới, phần còn lại do thiếu nguồn nước nên đã chủ động chuyển đổi sang trồng loại cây khác theo hướng dẫn của UBND xã. Các diện tích đậu đang sinh trưởng tốt, chịu được nắng nóng và cần ít nước tưới nên có thể hy vọng cho năng suất cao vào cuối vụ”.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, lo ngại tình hình hạn hán năm nay nghiêm trọng, từ đầu vụ địa phương đã vận động người dân chuyển đổi 15ha ruộng thiếu nước sang trồng các loại rau màu, cây họ đậu… tập trung ở các thôn K4, Thanh An, Phú Mậu.

Đến nay, các diện tích chuyển đổi vẫn đang phát triển theo chiều hướng tốt, chưa ghi nhận tình trạng chết hay bị sâu bệnh.

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Đông, diện tích lúa nước dự kiến thiếu nước tưới trong vụ sản xuất hè thu năm nay khoảng 112ha. Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai nhiều phương án đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ bà con nông dân.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trong số 112 ha diện tích thiếu nước tưới có 66,5 ha có chủ trương chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn như: ngô, đậu các loại, rau màu… và khuyến cáo bà con không thực hiện gieo cây lúa.

Đối với 45,5 ha còn lại, địa phương đã tính đến phương án điều tiết nguồn nước để đảm bảo cho việc tưới tiêu. Trong đó, chỉ đạo UBND các xã (trừ xã Hương Lộc) chủ động phối hợp với trạm thủy nông tổ chức khơi thông, nạo vét các tuyến kênh chính và điều tiết nước vào ruộng cho hợp lý. Tuyên truyền, vận động nông dân nạo vét kênh mương, gia cố bờ ruộng, giữ nước trong ruộng; thực hiện lấy nước hợp lý, tiết kiệm, lấy nước luân phiên, nhất là đối với các hộ đầu các tuyến kênh phải nhường nước để cho các hộ phía cuối kênh đảm bảo có nước tưới.

Trạm Thủy nông Nam Đông đã, đang và sẽ tiếp tục nạo vét, khơi thông, sửa chữa các công trình do đơn vị quản lý; tổ chức bơm chống hạn ở các vùng có đủ nguồn nước và sửa chữa đập đầu nguồn của kênh Ba Ba (xã Hương Sơn) đảm bảo đủ lượng nước chảy vào kênh; điều tiết nước hợp lý ở các vùng A Sên và Hai Nhất (xã Thượng Nhật), vùng kênh N2 (Khe Bó, xã Thượng Quảng).

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng triển khai hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại lúa và các loại cây trồng khác. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người nông dân; phân công cán bộ tập trung hướng dẫn nông dân điều tiết nước, giữ nước trong ruộng và phối hợp với các địa phương, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp ở những vùng thường xuyên thiếu nước.

“Trên bản đồ thời tiết, Nam Đông luôn là địa phương có nền nhiệt cao, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước thường trực. Vụ hè thu này, diện tích gieo cây toàn huyện là 280 ha, việc đảm bảo các phương án cung cấp nước cho người dân luôn được địa phương quan tâm, lên kế hoạch triển khai để tránh bị động. Quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, đảm bảo phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất”, ông Lê Thanh Hồ thông tin.

Bài, ảnh: MINH TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

TIN MỚI

Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống
Return to top