ClockThứ Tư, 19/02/2020 06:45

Thích ứng với biến đổi khí hậu: Nông dân phải ở thế chủ động

TTH - Dù nằm trong diện khuyến cáo chuyển đổi cây trồng, nhưng người dân một số vùng bãi ngang ven phá vẫn đưa cây lúa vào canh tác, dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích lúa bị chết.

Châu Á ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những công trình xanhBiến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầuNgôi nhà xanh, thành phố xanh

Vùng nhiễm mặn được người dân xã Quảng Lợi chuyển đổi trồng cà chua hữu cơ mang lại hiệu quả cao

Đất trồng lúa nhiễm mặn

Đang trong thời gian cao điểm chăm sóc lúa đầu vụ đông xuân, nhưng tại HTX Vĩnh Trị (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) khá vắng bóng người thăm đồng, chăm lúa. Bên những đám lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, lác đác nhiều diện tích đã vàng vọt, chết trắng.

Ông Lê Tuấn Anh, thôn 4, xã Hải Dương cho hay, một mẫu lúa của gia đình có đến 5 sào bị ảnh hưởng, trong đó 3 sào chết hoàn toàn, 2 sào còn lại cũng khó lòng khôi phục.

Theo ông Anh, làm nông đã lâu nhưng chưa năm nào ông thấy nước mặn xâm nhập sớm như năm nay. Thường nếu có mặn thì cũng chỉ xảy ra ở vụ hè thu, còn vụ đông xuân lúc nào nguồn nước cũng thoải mái. Vậy mà năm nay, lúa mới gieo sạ được một tuần thì chết sạch. Cũng may, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán thời tiết có mưa nên một số diện tích được cứu. Gia đình đã tiến hành gieo sạ lại các diện tích lúa chết, nhưng tình hình không mấy tốt khi tỷ lệ lúa chết chiếm khoảng 60 đến 70%. “Giờ chỉ mong mưa lớn để bổ sung nước ngầm mới hy vọng ruộng lúa được cứu”,  ông Tuấn Anh trải lòng.

Xã Hải Dương hiện có 60 ha lúa 1 vụ (chỉ sản xuất vụ đông xuân), vụ hè thu người dân chủ yếu trồng các loại khoai, dưa hấu. Năng suất lúa dọc khu vực cũng chỉ khoảng 30 đến 40 tạ/ha. Đầu vụ đông xuân, toàn xã có 10 ha lúa bị nhiễm mặn trong đó 6 ha bị chết hoàn toàn, không thể gieo sạ lại. Người dân chủ động phối hợp với 2 HTX tiến hành rửa mặn cho cánh đồng, tuy nhiên tình trạng nhiễm mặn không mấy cải thiện.

Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương chia sẻ, vùng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều là vùng khó chủ động nguồn nước tưới, chủ yếu lấy nước từ độn cát. Năm qua, lượng mưa rất ít dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngầm, gây hiện tượng xâm nhập mặn làm một số diện tích lúa bị chết. Trong số 10 ha lúa bị ảnh hưởng, 6 ha bị hư hỏng nặng nằm trong vùng được UBND xã đề xuất chuyển đổi. “Trước đó, xã cũng đã đề xuất với thị xã nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng chuyển đổi 6 ha đất này và 2,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả của HTX Thai Dương Thượng sang nuôi trồng thủy sản”, ông Lê Xuân Hướng thông tin.

Theo kịch bản ứng phó với hạn mặn vụ đông xuân của thị xã Hương Trà, vùng Vĩnh Trị, Thai Dương Thượng phát triển nông nghiệp dựa vào khai thác mạch nước ngầm, tuy nhiên hồ nước ngọt bị bồi lấp và hẹp. Vì thế, thị xã sẽ đào sâu, mở rộng 600m, rộng 20m và sâu 0,8 đến 1,2 m để khai thác nước ngầm cấp cho lúa và cả hồ tôm cao triều khi có độ mặn vượt ngưỡng. Riêng vùng lúa đã bị hư hỏng, địa phương khuyến cáo người dân không tiếp tục trồng và phải chuyển đổi trong thời gian tới.

Thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, không riêng Hải Dương, một số vùng trồng lúa bãi ngang ven phá cũng đang trong tình trạng lúa chết do xâm nhập mặn.

Ngoài 6 ha của xã Hải Dương, ở huyện Phú Lộc cũng có 6 ha (Song Hà, Đại Thắng), Nam Đông 4 ha (Hương Phú), tỷ lệ chết 30-70%; vùng Vinh Xuân, Phú Diên của huyện Phú Vang 13 ha, tỷ lệ chết 80-100% với tổng diện tích chết do hạn mặn đầu vụ gần 29 ha.

Thay đổi tư duy kinh tế

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Hồ Đắc Thọ thông tin, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn đều đang trong quá trình đẻ nhánh. Thời điểm này, ngoài lo ngại bệnh đạo ôn phát triển mạnh thì tình trạng lúa chết do nhiễm mặn cũng đang được quan tâm. Với những diện tích này, cần tăng cường rửa mặn để hạn chế thiệt hại.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích bị thiệt hại do nhiễm mặn đợt này tập trung ở các vùng bãi ngang ven phá và đa phần diện tích này đều nằm trong diện khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hạn chế thiệt hại. Vì thế, những diện tích đã nhiễm mặn người dân nên bỏ hoang hoặc chuyển đổi sớm vì càng cuối vụ tình hình sẽ càng khó kiểm soát hơn.

Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân 2019-2020, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ chuyển đổi 324,4 ha lúa sang trồng rau, đậu các loại, lạc, sen, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó với hạn mặn trong vụ này, trong đó bỏ hoang hoặc chuyển đổi số diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng là yêu cầu bắt buộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Vang (tại hội nghị triển khai các giải pháp chống hạn, tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2019-2020), người dân cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Nông nghiệp không chỉ là cây lúa, còn rất nhiều cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Vấn đề là nghiên cứu cây trồng nào phù hợp để chuyển đổi. Điều này cần sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các trường đại học… Tỉnh cũng đã hợp tác với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam… nhằm tìm hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và quan trọng, người dân phải chủ động và sẵn sàng thích ứng với những hướng đi mới, thích ứng với thị trường và các điều kiện bất lợi từ biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, tính cấp thiết của việc tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan về biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Vào năm 2024, cuộc thảo luận toàn cầu về thích ứng với khí hậu đã trở nên sâu sắc. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và hệ sinh thái thay đổi đặt ra những thách thức đáng kể cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

GCA cam kết thúc đẩy toàn cầu hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh

Nhờ nắm và bám sát địa bàn, Công an TP. Huế đã kịp thời triệt phá, bắt giữ nhiều nhóm tội phạm ngoại tỉnh liên quan đến lừa đảo và trộm cắp tài sản.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh
Return to top