Nhiều tuyến đường vào vùng sản xuất ở Hồng Thủy đang được đầu tư xây dựng
Năm 2016 là năm thứ 3 Hồng Thủy triển khai các dự án thuộc chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số” của huyện A Lưới. Qua khảo sát đánh giá mức độ ưu tiên, năm 2016, xã Hồng Thủy lựa chọn thực hiện công trình đường giao thông vào vùng sản xuất ở thôn 3 và thôn 6, với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng. Cùng với đó, các công trình điện sinh hoạt và hệ thống nước sạch được đầu tư đã góp phần phục vụ đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đến Hồng Thủy, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn đã nhựa hoá, các con hẻm thôn bản được bê tông, những cây cầu treo được xây dựng giúp giao thông không còn cách trở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương buôn bán, giao lưu văn hoá. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy ông Hồ Bá Bình cho biết: Sau khi cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ, giao thông thuận lợi, Đảng ủy đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng thương mại, dịch vụ và phát huy các ngành nghề truyền thống.
Dẫn khách đi thăm các công trình vừa được đầu tư xây dựng, ông Bùi Viết Dũng, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Cơ sở hạ tầng được tỉnh và huyện quan tâm nên địa phương có điều kiện để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hóa, các loại hình dịch vụ có thế mạnh trên địa bàn…”. Con đường dưới chân núi từ thôn 1 về thôn 7 san sát những ngôi nhà khang trang mọc lên, các quầy hàng tạp hóa, quán cà phê, xưởng mộc, cơ sở xay xát... là minh chứng về sự đổi thay rõ rệt trong đời sống đồng bào nơi đây. Anh Hồ Văn Ma ở thôn 5 kể: “Từ khi giao thông thuận lợi, gia đình tôi đầu tư mở quầy hàng bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, đồ uống, đến xăng dầu... Vợ chồng tôi còn mở thêm quán karaoke, dịch vụ xay xát phục vụ cho bà con trong thôn và các thôn lân cận. Từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ buôn bán, gia đình đã có nguồn thu gần 30 triệu đồng mỗi tháng”.
Thôn định cư Pa Ay của Hồng Thủy bây giờ cũng đã có nhiều hàng quán tạp hóa mọc lên. Nhiều hộ đã sắm tivi, mua xe máy, tủ lạnh, lát bê tông sân nhà… Gia đình chị Kăn Dung và anh Pa Rang chỉ sau mấy năm đến định cư đã có cuộc sống khá đầy đủ. Quầy tạp hóa của gia đình anh chị luôn đông người ra vào. Anh Pa Rang chia sẻ: “Nhờ các cấp quan tâm chăm lo đời sống cho bà con, gia đình tôi bây giờ khấm khá rồi, giờ chỉ lo cho con được đến trường để sau này có tương lai...”.
Được đầu tư về cơ sở hạ tầng, Hồng Thủy đã linh động huy động nguồn vốn mở các tuyến đường dân sinh nhằm tạo điều kiện bố trí giãn dân, phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc quy hoạch đất, bố trí giãn dân được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp nên khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang hoá. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, tạo tiền đề cho việc khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Cách làm linh động của cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thủy, đã có những tác động tích cực đến đời sống người dân nơi đây. Điều đó được thể hiện rõ nét với diện mạo của các thôn, bản và sự đổi thay về tập tục sản xuất, đổi thay cơ bản về đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở xã biên giới này.
Bài, ảnh: Bá Trí