ClockThứ Tư, 16/08/2023 09:34

Nghiêm cấm khai thác giun đất dưới mọi hình thức

TTH - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức khẳng định, tính đến ngày 15/8, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện xảy ra nạn tận diệt giun đất.
leftcenterrightdel
 Giun đất góp phần giúp cây trồng đạt năng suất, chất lượng sản phẩm

Ông Hoàng Văn Phúc ở xã Lộc Điền (Phú Lộc) chia sẻ, nhiều nông dân cho hay, một thời do thiếu nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia cầm giống nên nhiều người chăn nuôi khai thác giun đất làm thức ăn. Từ nhiều năm nay, khi trên thị trường có nhiều loại thức ăn dinh dưỡng bổ sung cho con giống gia cầm và một số loại vật nuôi, giá cả phù hợp nên người dân không còn khai thác giun đất. Một bộ phận hộ chăn nuôi tự sản xuất giun quế để phục vụ chăn nuôi, hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn giun ngoài tự nhiên.

Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (Phú Lộc), ông Hoàng Sa cho rằng, nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo dinh dưỡng trên thị trường hiện nay không thiếu. Các hộ chăn nuôi hoàn toàn không sử dụng giun đất làm thức ăn cho gia súc, gia cầm như trước. Hơn nữa, thông qua các đợt tuyên truyền về tác hại của việc khai thác giun đất cũng như vai trò của giun đất với môi trường, ý thức của người dân trong việc bảo vệ giun đất ngày càng cao.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tuyên truyền về tác hại cũng như biện pháp bảo vệ giun đất đối với người dân là hoạt động định kỳ, thường xuyên đối với ngành nông nghiệp. Mới đây, tại một số tỉnh xảy ra tình trạng kích điện hủy diệt giun đất, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, tính đến ngày 15/8 chưa phát hiện xảy ra tình trạng khai thác giun đất mang tính hủy diệt.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, từ nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia môi trường cho thấy, giun đất góp phần rất lớn trong bảo vệ và cải tạo môi trường đất nông nghiệp. Mật độ giun đất còn biểu hiện hoạt động của sinh vật, vi sinh vật có lợi cho cây trồng như vi khuẩn và nấm đối kháng… trong đất. Nơi nào giun đất sinh sống nhiều là chất lượng của vùng đất đó sạch, khỏe và phì nhiêu.

Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300-500 con/m2. Càng có nhiều giun đồng nghĩa với chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt. Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm, làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon.

Giun đất giúp kiến tạo lớp đất, cải thiện khả năng cung cấp dinh dưỡng. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Đồng thời, góp phần chuyển đổi môi trường đất chua, kiềm hoặc mặn về môi trường trung tính, cân bằng độ pH trong đất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Khi giun di chuyển và đào hang sẽ tạo thành những khe hở trong đất, làm đất được tơi xốp, thoáng, không bị ứ nước và không khí trong đất được lưu thông hỗ trợ cây trồng tiếp nhận oxy và quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi. Khi giun chết, xác chúng phân hủy và tạo ra lượng nitơ cho đất hấp thụ.

Giun đất còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng. Vì khi chúng ăn lá cây khô mục, đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.

Xác định giun đất có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì và bảo vệ phát triển giun đất một cách tốt nhất. Giun rất sợ thuốc bảo vệ thực vật, khi các hóa chất này ngấm vào đất sẽ làm giun nhiễm độc, chết. Do đó, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, có thể thay thế bằng các loại thuốc sinh học không gây hại đến giun, hệ sinh vật đất và bảo đảm luôn cả sức khỏe con người.

Điều mà loài giun cần là cung cấp đủ cho chúng lượng sinh khối, nhiệt độ vừa phải và đủ ẩm. Vậy nên cần có một lớp thảm che phủ đất bằng các vật liệu che phủ hữu cơ, hoặc trồng cây che phủ để tạo một lớp thảm thực vật, kết hợp cung cấp nguồn thức ăn cho giun đất thông qua việc cắt tỉa cỏ, xác cây chết.

Giun đất thường sử dụng 20% trọng lượng cơ thể mỗi ngày cho việc sản sinh chất nhầy vào phân của chúng nên cần lượng nước nhất định để sống. Các phế phẩm hữu cơ phân hủy (mùn) giúp giữ độ ẩm trong đất rất tốt với giun đất. Vào giai đoạn khô hạn, một số loài giun đất di chuyển sâu vào đất và “ngủ đông” cho đến khi mùa mưa “kích hoạt” lại chúng.

Giun đất cần môi trường đất tương đối thông thoáng nên cần đảm bảo đất trồng có khả năng thoát nước, hoặc nằm ở vị trí cao để tránh tình trạng ngập úng sẽ khiến giun chết, hoặc di chuyển đến nơi khác... Ngoài các biện pháp bảo tồn, bảo vệ trên, theo ông Đức, cần phải nghiêm cấm khai thác giun đất dưới mọi hình thức.

Giun đất không thích các loại đất chua có độ pH dưới 4,5. Việc sử dụng chất cải tạo đất SEA (một loại chế phẩm sinh học) giúp điều chỉnh pH về trung tính, tạo điều kiện thuận lợi cho giun đất phát triển. Nghiên cứu ở miền Nam nước Úc cho thấy, số lượng giun đất tăng gấp đôi khi độ pH duy trì ở mức 4,1 đến 6,7...
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Khai thác thị trường xuất khẩu rau, quả khu vực châu Á
Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe

Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách bài bản để thu hút khách trong và ngoài nước.

Khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe
Return to top