Người nuôi đang thiếu heo để bán
Khan hiếm
Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người chăn nuôi điêu đứng. Tổng đàn heo khắp các địa phương giảm mạnh. Đặc biệt, nhiều người chăn nuôi theo hình thức gia trại, nông hộ đành bỏ chuồng trống. Ông Nguyễn Văn Điểm (xã Điền Hòa, huyện Phong) trước đây phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi 2 heo nái và 20 heo thịt. Từ năm 2018 trở về trước, những lứa heo của ông cho thu nhập khá dù thị trường có lúc biến động mạnh. Sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, ông Điểm bị thua lỗ nặng, đành bỏ hoang chuồng trại, chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi vịt, gà. Khi dịch bệnh tương đối ổn định, giá heo liên tục tăng thì ông Điểm tỏ ra tiếc nuối vì không có heo để bán.
“Với người nuôi heo, nếu chăn nuôi thuận lợi, xuất bán với giá khoảng 36-38 nghìn đồng/kg (heo hơi) thì đã có lãi. Do dịch bệnh nên hầu hết người nuôi nhỏ lẻ như tui không tái đàn. Hiện nay, thương lái lùng sục khắp nơi để mua heo, giá heo cũng được đẩy lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với bình thường”, ông Điểm chia sẻ.
Khoảng gần 3 tháng trước, ông Nguyễn Quang cho xuất chuồng lứa heo thịt gồm 10 con với giá 36.000 đồng/kg. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông còn heo để xuất chuồng với mức giá đó là cả một thành công. Tuy nhiên, bây giờ, khi giá heo tăng cao, ông không còn heo để bán. “Hiện nay, vì sợ dịch bệnh và sự trồi trụt của thị trường, người nuôi heo đa số chuyển sang chăn nuôi loại gia súc, gia cầm khác”, ông Quang nói.
Theo ông Hồ Tịnh Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, người chăn nuôi đang trải qua thời gian khó khăn, đặc biệt đối với người nuôi heo. Tổng đàn toàn địa phương giảm gần 80% là minh chứng cho việc người dân không có heo bán ngay trong thời điểm giá tăng cao.
Giá thịt heo đang cao kỷ lục
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Quảng Điền, dịch tả lợn châu Phi thời gian qua khiến địa phương này phải tiêu hủy hơn 12.000 con. Theo đó, tổng đàn heo toàn huyện giảm đến 35%, chỉ còn khoảng 22.000 con. “Khảo sát tại địa phương, giá heo hơi đang đạt mức từ 60-65.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục kể từ trước đến nay, tuy nhiên nhiều người không có heo bán là điều hiển nhiên. Hiện nay, tại huyện Quảng Điền chỉ có những trang trại lớn, chăn nuôi theo hướng sinh học, công nghệ cao mới có heo để cung ứng cho thị trường”, ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin.
Sẽ đủ cung ứng cho thị trường
Các chuyên gia ngành chăn nuôi cho rằng, việc giá thịt heo tăng kỷ lục tại thời điểm này là quy luật cung cầu tất yếu của thị trường. Không chỉ Thừa Thiên Huế mà nhiều tỉnh thành cũng phải gồng mình chống chọi với dịch tả lợn châu Phi nên việc yếu nguồn cung rất dễ xảy ra.
Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá thịt heo tăng đột biến, từ 100-150 nghìn đồng/kg (tùy loại thịt). “Từ trước đến nay, nhu cầu thịt heo của người dân luôn rất lớn. Hiện, mặc dù giá cao nhưng nhu cầu thịt heo vẫn không giảm đáng kể. Do khan hàng nên có ngày thịt heo tại cửa hàng tui không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Ngoài bán thịt heo ở chợ, hàng ngày tui còn đi khắp nơi để thu mua heo. Thịt heo tăng giá là điều đáng mừng nhưng những thương lái như tụi tui bây giờ mua heo rất khó khăn vì khan hàng”, bà Trần Thị Bé (tiểu thương chợ Điền Lộc, huyện Phong Điền) cho biết.
So với năm 2018, tổng đàn heo toàn tỉnh đã giảm mạnh, còn khoảng 150.000 con. Việc chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh chủ yếu cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tại các lò mổ lớn trên địa bàn tỉnh hàng ngày cũng đang nhập heo từ các tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Do đó, các cơ quan chức năng cho rằng, thịt heo sẽ đủ cung ứng cho thị trường nội tỉnh.
“Trong điều kiện giá thịt đang cao thì lượng heo nhập vào Thừa Thiên Huế phải đi qua nhiều khâu trung gian nên mức giá có thể được đẩy lên theo quy luật của thị trường. Nhìn chung, hiện nay tình hình chăn nuôi trên địa bàn sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài dịch tả lợn châu Phi, trong điều kiện thời tiết giao mùa, người chăn nuôi heo cần phải chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, đồng thời cẩn trọng khi tái đàn dù giá heo đang tăng”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh nhận định.
Bài, ảnh: L.Thọ