Mô hình lúa chất lượng cao
Nhiều loại giống cũ có biểu hiện thoái hóa
Mỗi vùng, mỗi địa phương có cơ cấu giống lúa khác nhau tùy thuộc vào điều kiện đất đai, trình độ thâm canh của nông dân. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong vụ đông xuân thường gieo cấy hơn 32 giống lúa, vụ hè thu hơn 29 giống lúa, nhiều nhất vẫn là giống Khang dân chiếm 33,32% trong vụ đông xuân và 45,36% trong vụ hè thu.
Các giống lúa chất lượng đang dần được đưa vào sản xuất với tỷ lệ ngày càng cao, trong đó vụ đông xuân chiếm 44,43%, vụ hè thu 29,36%. Đa số các địa phương đang sản xuất các giống lúa ngắn ngày, diện tích sản xuất giống dài ngày chiếm tỷ lệ thấp, chỉ còn 4,6% trong vụ đông xuân và 1,3% vụ hè thu.
Giám đốc TTKN, ông Châu Ngọc Phi cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất và hiệu quả sản xuất. Những năm gần đây, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nhưng nhờ cơ cấu giống lúa phù hợp, nông dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất và sản lượng khá ổn định.
Tuy nhiên, qua quá trình sản xuất, nhiều giống có biểu hiện thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém, nhiễm sâu bệnh. Vì vậy, cần thiết phải tuyển chọn các giống lúa mới bổ sung vào cơ cấu giống, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất. Việc đưa vào sản xuất các giống lúa mới có triển vọng, kết hợp ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác của người dân sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.
Thời gian qua, TTKN phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình sản xuất các giống lúa mới có triển vọng về năng suất và chất lượng, khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh. Từ kết quả của các mô hình đã xác định được một số giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, trình độ canh tác của từng vùng. Việc xây dựng các mô hình sản xuất lúa cũng góp phần bổ sung, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chuyển giao những khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa đến người nông dân.
Giống mới, chất lượng cao
Điển hình giống lúa JO2 được đưa vào khảo nghiệm sản xuất từ vụ đông xuân 2016-2017. Đến nay, diện tích sử dụng giống JO2 ngày càng tăng cao, riêng vụ đông xuân 2021-2022 gieo cấy hơn 2.386ha. Các địa phương sử dụng giống JO2 nhiều nhất là TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang, TP. Huế. Tại huyện A Lưới sản xuất được giống JO2 cả hai vụ, ở vùng đồng bằng không khuyến khích sản xuất trong vụ hè thu do thời gian sinh trưởng dài ngày… Sản xuất giống lúa JO2 mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống khác, hiện nay sản phẩm có giá cao nhất trên thị trường, trong vụ đông xuân 2021-2022 bán ngay tại đồng ruộng với giá 7.800-8.000 đồng/kg.
Mô hình khảo nghiệm sản xuất giống KH1 từ vụ đông xuân 2016-2017, đến nay giống này đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh với tên gọi mới ĐT100. Diện tích sử dụng giống ĐT100 không ngừng tăng lên qua các năm, theo thống kê vụ đông xuân 2021-2022 được sản xuất với diện tích 2.171ha, vụ hè thu 2022 342,5ha. Giống ĐT100 cho năng suất rất cao, vụ đông xuân đạt trên 70 tạ/ha, cá biệt có nơi đạt trên 80 tạ/ha, vụ hè thu năng suất đạt từ 60-70 tạ/ha, tùy theo chân đất và mức độ đầu tư thâm canh.
Giống ĐT100 có khả năng đẻ nhánh khá, đẻ tập trung, số nhánh hữu hiệu cao, khả năng chống chịu ngoại cảnh khá tốt, đặc biệt là chống đổ ngã, ít bị nhiễm sâu bệnh hại. Giống mới này có một số đặc điểm cần lưu ý là trổ không tập trung, kéo dài từ 7-8 ngày, cây lúa trổ rời rạc, không được đẹp về mặt cảm quan, nhưng khi chín rất nhanh, đồng đều và tập trung.
Mô hình khảo nghiệm sản xuất giống HG12 từ vụ đông xuân 2018-2019, tuy chưa được công nhận là giống chính thức, nhưng thấy được những ưu điểm vượt trội của giống này nên các hợp tác xã và bà con nông dân đã đưa vào sản xuất khá nhiều. Vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo cấy hơn 1.920ha, vụ hè thu 2022 hơn 1.616ha. Kết quả sản xuất giống HG12 cho thấy, thời gian sinh trưởng trung bình trong vụ đông xuân với lúa sạ 110-115 ngày, vụ hè thu chỉ 93-98 ngày…
Vụ hè thu vừa qua, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Châu (TX. Hương Thủy) triển khai mô hình sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP với quy mô diện tích 5ha, sử dụng giống lúa HN6 với 22 hộ tham gia. Kết quả đánh giá về năng suất trung bình mô hình đạt 55 tạ/ha, cao hơn đối chứng 1 tạ/ha.
Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Châu đánh giá, sản xuất theo quy trình VietGAP giúp thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân. Việc áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn do giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hướng đến xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phát triển ổn định và bền vững.
Những năm qua, TTKN thực hiện các mô hình khảo nghiệm sản xuất và áp dụng các giống mới có triển vọng vào sản xuất như: HC4, HN6, Ma lâm 48, LDA1, JO2, KH1 (ĐT 100), HG12, HG22… Nhiều giống lúa mới có ưu thế về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác được bà con nông dân đánh giá cao như các giống ĐT100, JO2, HG12…
Bài, ảnh: Hoàng Thế