Mô hình chuỗi thịt heo an toàn của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Quế Lâm
Phát triển mô hình chuỗi
Mô hình trồng hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 17 ha tại phường Hương An (Hương Trà) thực sự là bước đi để sản phẩm mang tính hàng hóa, xây dựng được thương hiệu và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Mô hình này hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp KHKT vào canh tác, ứng dụng một số phương pháp phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương.
Toàn phường Hương An có khoảng 80ha hành lá với hơn 800 hộ dân của 7 tổ dân phố tham gia trồng. Mỗi năm người dân nơi đây trồng được 4 vụ, cho thu nhập bình quân khoảng 120- 150 triệu đồng/ha. Thu nhập từ cây hành mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân Hương An.
Năm 2016, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh (CCQLCLNLTS, Sở NN&PTNT) phối hợp với các đơn vị xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất hành lá theo hướng dẫn VietGAP cho 80 hộ dân tham gia trồng ở Hương An.
HTX NN Hương An phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế tập huấn kỹ thuật trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Đến nay, đã có 178 hộ tham gia thực hiện mô hình sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 17 ha.
Mô hình đạt được nhiều hiệu quả thiết thực, phường Hương An đã có những bước đi mạnh dạn nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương, đó là đang dần dần hình thành khu vực nhà sơ chế để thu gom hành lá bán tươi, tiến đến hoạt động chế biến hành khô để mở rộng tiêu thụ.
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở NN&PTNT tập trung nguồn lực và kinh phí hỗ trợ phát triển mô hình chuỗi tại địa phương, đưa số mô hình chuỗi được xác nhận lên 8 mô hình và 18 sản phẩm, đặc biệt có 1 mô hình chuỗi cho 5 sản phẩm (mô hình chuỗi thịt heo của Công ty TNHH MTV Hữu cơ Quế Lâm gồm 5 sản phẩm là thịt heo, chà bông, chả, ram cuốn, xúc xích từ thịt heo).
Ngoài hành lá Hương An, còn có các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP như thịt gà và thịt lợn với sản lượng 30.000 con gà, 500 con lợn/năm cho 5 hộ gia đình, được chứng nhận 2018; mô hình bưởi thanh trà, diện tích 8 ha tại phường Thủy Biều, TP. Huế, được chứng nhận năm 2019; mô hình chế biến thủy sản theo tiêu chuẩn HACCP (áp dụng đối với cơ sở chế biến nước mắm) với sản lượng 350 tấn/năm, được chứng nhận 2019 và mô hình chế biến nông sản đối với cơ sở sản xuất cà phê, được chứng nhận 2019.
Nhiều lợi ích
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLTS đánh giá, các mô hình chuỗi được hình thành trong thời gian ngắn 2016-2020 tại địa phương là kết quả sự nỗ lực rất lớn của các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD), muốn tạo thêm uy tín đối với sản phẩm mà mình cung ứng ra thị trường. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì chủ thể tham gia thể hiện rất cao sự hợp tác trong xây dựng các mô hình, từ đó thu hút một lượng lớn các tác nhân đơn lẻ tham gia cung ứng vào mô hình chuỗi sản phẩm an toàn.
Đề án chuỗi được triển khai góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATTP các tác nhân tham gia chuỗi. Đặc biệt, người sản xuất được đảm bảo giá trị sản phẩm hàng hóa nên tuân thủ tốt các quy tắc giao ước cung cấp hàng hóa cho nhà kinh doanh, đầu ra được đảm bảo là động lực để bà con tập trung sản xuất và canh tác tốt.
Theo đó, người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, phân biệt được sản phẩm đã được kiểm soát ATTP theo chuỗi với sản phẩm khác để quyết định lựa chọn mua sản phẩm để sử dụng; người SXKD tăng sản lượng và giá trị SXKD, ổn định sản xuất và phát triển bền vững; cơ quan quản lý, kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình SXKD thực phẩm nông lâm thủy sản theo nguyên tắc từ “trang trại tới bàn ăn” và truy xuất được nguồn gốc, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Tham gia chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên kết trong các HTX, tổ hợp tác, trang trại gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, kênh phân phối, mạng lưới phân phối tiêu thụ. Mô hình chuỗi được hình thành đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các thành viên thông qua hợp đồng mua bán và trách nhiệm cung ứng thực phẩm an toàn ra thị trường.
Quản lý trên cơ sở phân tích nguy cơ, đánh giá phân loại nguy cơ mất ATTP tại các công đoạn SXKD trong chuỗi để nhận diện rõ nguy cơ và tập trung nguồn lực, kiểm soát hiệu quả tại từng công đoạn và toàn bộ chuỗi. Phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý đảm bảo ATTP ở các công đoạn trong chuỗi và phối hợp trong toàn chuỗi. Cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao giá trị thực phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn có kiểm soát, minh bạch thông tin, quảng bá các địa chỉ bán sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi.
Theo CCQLCLNLTTS, kinh phí phân tích mẫu kiểm nghiệm sản phẩm an toàn là vấn đề khá khó khăn đối với DN lẫn cơ quan quản lý. DN thì e ngại đối với kinh phí kiểm nghiệm cao (khoảng 3 triệu đồng/mẫu kiểm nghiệm) nên chưa mạnh dạn đăng ký xác nhận chuỗi cho nhiều sản phẩm bày bán. Cơ quan quản lý thì được cấp kinh phí hậu kiểm mẫu sau xác nhận rất hạn chế nên công tác giám sát, kiểm tra chưa được liên tục.
Bài, ảnh: Hà Nguyên