Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được bày bán tại siêu thị Quế Lâm
Tăng thu nhập
Vụ hè thu năm 2019 đang trong giai đoạn thu hoạch. Kết quả khảo sát cho thấy, giá lúa thu mua hiện chỉ khoảng 5.200 đồng/kg. Hai loại giống chủ lực vụ hè thu là TH5 và Khang Dân giá thu mua theo thứ tự là 5.100 và 5.300 đồng; riêng các giống lúa chất lượng cao, giá khoảng 5.400 đồng/kg. So với mọi năm, giá lúa thu mua đang thấp hơn từ 600 -700 đồng/kg. Với giá lúa như hiện nay, thu nhập trung bình trên mỗi sào lúa giảm 700 - 800 ngàn đồng so với các vụ trước.
Tình trạng lúa giảm giá từng xảy ra cách đây nhiều năm. HTX Phù Bài (Thủy Phù, Hương Thủy) có 288 ha đất trồng lúa 2 vụ. Có những năm, bà con xã viên phải tích trữ lúa bán dần chứ không bán ngay đầu vụ vì sợ tư thương ép giá. Quá trình bảo quản không đảm bảo nên thay vì giá bán lúa cao thì người dân lại đối mặt với tình trạng chất lượng lúa thấp, giá bán lại tiếp tục bị tư thương o ép.
Bên cạnh việc bị ép giá, HTX còn có thêm nỗi lo khi đất ngày càng bạc màu, sâu bệnh phát triển mạnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mùa vụ.
Năm 2015, sau chuyến tham quan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, ông Nguyễn Hồng Lam quyết định phối hợp với HTX thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Theo đó, công ty tập huấn chuyển giao mô hình sản xuất với 7,5 ha. Sau 10 vụ sản xuất, đến nay, HTX đã liên kết sản xuất 120 ha lúa hữu cơ trên cánh đồng mẫu lớn của HTX. Tại xứ đồng này, HTX ứng dụng phương pháp mạ khay cấy máy, chống chịu được đổ ngã, năng xuất đạt trên 55 tạ/ha.
Ông Lê Tranh, Giám đốc HTX NN Phù Bài chia sẻ, quá trình liên kết hợp tác được công ty đầu tư đầu vào giống, phân bón hữu cơ vi sinh theo quy trình hữu cơ 3 không “không phân vô cơ, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa chất” sâu bệnh ít phát triển, năng suất cao, trung bình đạt từ 54-58 tạ/ha. Công ty còn thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 15-20%, ổn định trong nhiều năm.
Sau thu hoạch lúa, HTX ứng dụng chế phẩm vi sinh ủ rơm rạ của Quế Lâm để tận dụng rơm rạ sau thu hoạch. Sau 7-10 ngày ủ, rơm rạ được phân hủy rất thuận lợi cho việc làm đất sản xuất vụ tiếp theo. Chế phẩm đem lại cho đất nhiều chất mùn hữu cơ, tơi xốp hơn, hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm.
Không dừng lại ở sản xuất lúa hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm còn liên kết xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học theo quy trình chăn nuôi hữu cơ với quy mô 100 con/hộ theo hình thức tập đoàn đầu tư vào con giống, thức ăn hữu cơ có men vi sinh và đệm lót rải chuồng để xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy chia sẻ, lợn nuôi theo công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm mỗi trường, trừ chi phí người nuôi lợn đạt lợi nhuận trung bình từ 600 - 700 ngàn đồng/con, cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chăn nuôi thông thường. Dù các hộ chăn nuôi xung quanh nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhưng nhờ nuôi theo công nghệ vi sinh nên vẫn duy trì được đàn và chăn nuôi an toàn.
Hướng tới hệ sinh thái nông nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm thông tin, công ty đã triển khai liên kết với 12 HTX với gần 1.000 hộ xã viên với tổng diện tích trên 500 ha lúa theo hướng hữu cơ, năng xuất lúa đạt trung bình 54 tạ/ha. Thành công lớn nhất chính là đã chuyển đổi căn bản nhận thức sản xuất nông sản sạch cho người nông dân, giúp nông dân ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, sử dụng công nghệ sinh học trong xử lý rơm rạ, giảm tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và gây hại đất.
Riêng chăn nuôi, công ty tiến hành liên kết với 15 hộ dân (5 huyện) phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Nhờ ứng dụng công nghệ men vi sinh nên những mô hình liên kết của nông dân vẫn an toàn vượt qua dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, nhiều địa phương cũng muốn phối hợp với Tập đoàn thực hiện chăn nuôi liên kết an toàn sinh học.
Theo ông Lam, để nhân rộng mô hình liên kết thực sự thành công, trước mắt Tập đoàn Quế Lâm sẽ thực hiện dự án xây dựng tổ hợp sản xuất chế biến nông sản hữu cơ theo hướng hệ sinh thái nông nghiệp. Với quy mô 15 ha tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền), Quế Lâm sẽ đầu tư vùng sinh thái nông nghiệp, theo chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn với 3 tổ hợp, gồm: nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ vi sinh và trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ.
Dự án sản xuất men vi sinh đầu tiên tại Việt Nam
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm thông, muốn chăn nuôi an toàn phải có chế phẩm vi sinh nên công ty đã thực hiện ký kết với Tập đoàn Sky Life (Nhật Bản) thực hiện dự án sản xuất men vi sinh đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sẽ liên kết với các hộ chăn nuôi tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền) xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi tập trung. Quế Lâm cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi hữu cơ vi sinh, sản xuất từ 1.500-2.000 tấn/năm.
|
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN