Kinh tế trang trại đang mang lại nguồn thu cao cho người dân
Cho thu nhập tốt
Từ những rú cát hoang hóa chỉ có cát trắng và cây bụi, tại Quảng Lợi đã xuất hiện nhiều trang trại và mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Với 2 sào đất trồng mướp và hoa màu 3 vụ mỗi năm, ông Trương Trọng Đức ở Quảng Lợi thu được gần 19 triệu đồng/năm. Ngoài đầu tư trồng các loại cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu, chuối…ông còn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, mỗi lứa trên 1.500 con, thả nuôi 2 hồ cá rô phi, chép…cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân Quảng Lợi.
Không chỉ phát triển mạnh kinh tế trang trại ở khu vực rú cát, người dân Quảng Lợi còn phát huy tiềm năng khu vực đầm phá để phát triển du lịch, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững như thả chuôm, nuôi cá lồng trên phá kết hợp đánh bắt ... Ông Hà Binh, Bí thư Chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh thông tin, các mô hình kinh tế kết hợp cho thu nhập ổn định từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ gia đình. Khai thác thế mạnh đầm phá hợp lý, kinh tế thôn Ngư Mỹ Thạnh có chuyển biến, từ một thôn nghèo đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm.
Hướng đến việc xây dựng 3 vùng sản xuất tập trung
Với mục tiêu tập trung nguồn lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Nông nghiệp - dịch vụ - ngành nghề tiểu thủ công nghiệp”, xã Quảng Lợi phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 32 đến 35 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 80 đến 90 triệu đồng/năm.
Theo ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, trên cơ sở đánh giá tiềm năng thế mạnh địa phương, xã đã xây dựng 3 vùng sản xuất tập trung gắn với các địa bàn dân cư. Trong đó, vùng sản xuất nội đồng chủ yếu trồng lúa năng suất cao, rau màu, đậu đỗ theo hướng sản xuất an toàn. Khu vực rú cát quy hoạch phát triển trang trại với 350 ha sản xuất theo hướng nông lâm kết hợp. Ngoài các mô hình của người dân, địa phương còn hỗ trợ 2 HTX Thắng Lợi và Tín Lợi phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò tập trung, trong năm 2016 đã giải ngân vốn cho 6 hộ với số tiền 50 triệu đồng/hộ. Riêng các thôn ven phá sẽ đầu tư cải tạo các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, khuyến khích người dân hạn chế phát triển nghề lừ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản chuyển sang các nghề truyền thống như chuôm, lưới, đáy…
Để thực hiện được mục tiêu trên, xã Quảng Lợi tập trung huy động sức dân; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch; chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tập trung giao đất, cho thuê đất gắn với thực hiện quy hoạch trồng rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cải tạo vườn hộ.
Một trong các giải pháp được lãnh đạo xã Quảng Lợi chú trọng là phối hợp với ngân hàng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất; tăng cường kiểm tra và quản lý chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp như xây dựng các mô hình dự án điểm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ…
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN