Anh Nguyễn Kiểm cày đất cho kịp thời vụ
Ra đồng đầu xuân
Những ngày đầu năm, về nông thôn mới thấy hết không khí lao động sôi nổi của nông dân trên những thửa ruộng. Từ sáng sớm mồng 4 tết, khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Phong Điền rộn rã tiếng hỏi thăm sức khỏe lẫn tiếng máy cày đánh đất. Thời tiết ấm áp tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp tục vụ Đông Xuân.
Gác lại chuyện Tết nhất, từ ngày mồng 4 Tết, chị Trần Thị Thùy ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đã xuống đồng với ước muốn trời sẽ tiếp tục nắng ấm để thuận lợi cho việc gieo lạc vụ Đông Xuân. “Trong nhà đang nhiều bánh thịt, không khí tết vẫn tràn ngập, nhưng nông dân là vậy đó, đến ngày 29 Tết người nông dân như chúng tôi mới được nghỉ. Mồng 4, mồng 5 đã phải ra đồng cho kịp mùa vụ rồi”. Chị Thùy, chia sẻ.
Ngay những ngày đầu năm mới, không khí lao động của nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền đã rộn ràng như thường. Trên các cánh đồng, ở đâu cũng gặp cảnh nông dân tất bật ra đồng, triển khai các công việc đồng áng như làm cỏ, bón phân, trồng dặm và điều tiết nước cho cây lúa. Theo kinh nghiệm, trong những ngày này, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa, nếu lơ là thì ruộng bị khô nước hoặc bị sâu bệnh phá hoại, làm cho cây không phát triển được. Do vậy, cần kiểm tra liên tục để có biện pháp khắc phục, cứu lúa kịp thời.
Ông Trần Văn Bình, ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân bày tỏ: “Gia đình tôi năm nay làm 1ha ruộng lúa và 3.500m2 diện tích lạc. Sáng mồng 4 là chúng tôi bắt đầu ra thăm đồng, chăm sóc lúa, hy vọng năm nay chúng tôi có một mùa bội thu”.
Chị Trần Thị Thủy cùng gia đình nhổ cỏ cho ruộng lúa sau tết
Hy vọng vụ mùa bội thu...
Sở dĩ năm nay người dân Phong Điền ra đồng sớm hơn mọi năm là do từ trước tết, trời mưa rét kéo dài khiến mùa vụ bị chậm trễ. Nhiều người lo ngại sẽ bị mất mùa, nên phải nhanh chóng xuống đồng cho kịp thời vụ.
Vụ Đông Xuân này, gia đình ông Nguyễn Kiếm ở thôn Cổ Bi 3, xã Phong Sơn gieo sạ trên 5.000m2 ruộng lúa và 5.000m2 diện tích lạc. Ông Kiếm chia sẻ: “Trước tết gia đình tôi đã tranh thủ gieo sạ được diện tích lúa, còn diện tích lạc chưa kịp gieo trồng do thời thời tiết mưa rét kéo dài làm đất ướt không thể cày được. Tranh thủ thời tiết nắng ấm nên gia đình huy động con cháu tập trung làm để kịp khung thời vụ”. “Mỗi người dân chúng tôi đều ý thức rằng, gieo trồng đúng với khung thời vụ là việc rất quan trọng, góp phần bảo đảm năng suất. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng tranh thủ những ngày ấm áp, tăng cường công tác làm đất để kịp gieo trồng”, chị Hoàng Thị Mai, ở xã Phong An cho biết thêm.
Ông Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc HTX DVNN Nam Sơn, chia sẻ: “Cùng với tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết, HTX cũng chỉ đạo nhân dân vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Ngay sau tết cần thăm đồng tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là gieo trồng số diện tích lạc còn lại đảm bảo đúng khung lịch thời vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Lấy nước vào ruộng
Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2018- 2019 của huyện Phong Điền phấn đấu đạt 8.044,76 ha. Trong đó, cây lúa: Diện tích 5.164,76 ha. Riêng đối với cây lúa, cơ cấu giống chủ lực là các nhóm giống ngắn ngày và cực ngắn như Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐV108, Ma Lâm 48, ... đạt trên 85% diện tích gieo cấy; Mở rộng diện tích các giống lúa có năng suất, chất lượng như: KH1, T10,... Về thời vụ gieo cấy: Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống và đặc điểm, điều kiện thực tế để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp đảm bảo lúa vụ Đông Xuân trổ từ 10/4 đến 25/4, trong đó trổ tập trung từ 15/4 đến 25/4.
Không khí tết được người dân chuyển dần từ trong nhà ra ngoài đồng, ai cũng cầu mong cho một năm mới “chân cứng đá mềm”, hướng tới một vụ xuân thắng lợi toàn diện.
Bài, ảnh: Hải Huế