Vùng trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm
Thay đổi tư duy canh tác
Không năm nào, cụm từ nông nghiệp hữu cơ được nhắc đến nhiều như năm 2019. Số diện tích được người dân chuyển từ canh tác thông thường sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP tăng nhanh. Đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ không còn là những doanh nghiệp có quy mô mà nông dân cũng bắt đầu “để ý” hơn đến lối canh tác này.
Thay vì mua phân bón hóa học về bón cho cây trồng như mọi khi, 2 năm trở lại đây, ông Nguyễn Phú Tứ ở phường Xuân Phú (TP. Huế) đã tìm kiếm các nguồn phân chuồng từ các trang trại chăn nuôi, bèo tây và các phế phụ phẩm nông nghiệp đưa về cánh đồng và tiến hành ủ với chế phẩm sinh học. Sau 2 tháng ủ và tiến hành đảo trộn, sản phẩm phân hữu cơ được bón trở lại cho cây trồng.
Theo ông Tứ, trước đây, đất trồng kém màu mỡ do dùng quá nhiều phân bón hóa học, chỉ trồng được khoai, sắn hiệu quả không cao. Thế nhưng, sau khi tập trung cải tạo đất, chuyển sang dùng phân hữu cơ tự sản xuất, năng suất chất lượng đất, rau tăng lên. Nếu trước đây 1 sào trồng sắn gia đình cho thu nhập từ 3 triệu đồng/năm thì khi chuyển sang trồng rau hữu cơ mỗi sào gia đình thu được 2,5 triệu đồng/đợt, mỗi năm rau luân canh được 10 đợt nên thu nhập mỗi sào đạt trên 25 triệu đồng/năm. Đầu ra cho rau hữu cơ ổn định và giá bán cao hơn so với canh tác thông thường.
Không chỉ có nguồn phân bón hữu cơ người dân tự sản xuất, người dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều ý tưởng và hiện thực hóa quá trình sản xuất hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học phục vụ cho việc cải tạo đất trồng 100% hữu cơ.
Mới đây, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, Trường đại học Nông lâm Huế đã nghiên cứu thành công dung dịch thủy phân giàu đạm từ cá phế thải và khô dầu lạc thành nguyên liệu sản xuất nông nghiệp hữu cơ với chi phí đầu vào thấp. Chế phẩm này giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các phế phụ phẩm giàu đạm và ứng dụng để phát triển thủy canh hữu cơ và bán thủy canh không sử dụng hoá chất. Nghiên cứu đang được áp dụng tại hệ thống nhà màng nông nghiệp công nghệ cao của Trường đại học Nông lâm Huế, tại Tứ Hạ, Hương Trà, có triển vọng sản xuất đại trà để cung cấp trong phạm vi cả nước.
Một yêu cầu mang tính tất yếu trong nông nghiệp hữu cơ chính là hướng tới việc duy trì cân bằng sinh thái, đề cao các phương thức canh tác thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường và tăng độ phì nhiêu cho đất. Vì thế, xây dựng hệ thống các cơ sở sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường cần được ưu tiên hàng đầu và điều này cũng đang được người dân, doanh nghiệp hết sức quan tâm. Bằng chứng là những năm qua tình hình sản xuất phân bón hữu cơ (doanh nghiệp sản xuất) được cải thiện, sản lượng sản xuất ngày càng tăng từ 1,2 triệu tấn năm 2017 đến nay con số này đã nâng lên 2,5 triệu tấn và sẽ tăng lên 3,5 triệu tấn trong năm 2020 trên phạm vi cả nước.
Sử dụng chế phẩm hữu cơ trồng rau thủy canh
Sản phẩm chủ lực
Không dừng lại ở phát triển trồng trọt, trên địa bàn nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ cũng bắt đầu xuất hiện, với nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hay địa phương đứng ra tổ chức. Trong đó, mô hình hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ được Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy đầu tư trong 2 năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ 2 hộ ban đầu, đến nay thị xã đã thành lập được tổ hợp tác nuôi gà hữu cơ với 12 hộ tham gia (thuộc 3 xã Thủy Bằng, Thủy Phù và Phú Sơn), tạo động lực trong xây dựng sản phẩm chủ lực địa phương.
Ông Văn An, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi gà hữu cơ Hương Thủy chia sẻ, muốn chăn nuôi theo hướng hữu cơ phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu. Gà dưới 1 tháng tuổi được nuôi theo cách thông thường, phòng bệnh bằng vắc xin và các loại kháng sinh theo quy trình kỹ thuật nhất định, ăn thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên từ sau 1 tháng tuổi, quá trình chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm quy trình. Gà được thả vườn và chuyển sang cho ăn hữu cơ hoàn toàn với các loại thức ăn như: bắp, lúa, cám, giun quế, cá tạp, ốc bươu… kết hợp với các loại thảo dược, tỏi nghệ, gừng cam thảo, xông khói bằng bồ kết để phòng dịch, không dùng kháng sinh và thức ăn công nghiệp. Trước khi xuất bán 15 ngày gà chỉ được ăn một số thức ăn thô, thời gian thả nuôi phải trên 4 - 5 tháng để đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon.
Các thành viên tổ hợp tác nuôi gà hữu cơ Hương Thủy đang duy trì tổng đàn ở mức 4.600 con/lứa tương đương 11.500 con/năm. “Các thành viên trong tổ có khá nhiều mối liên kết tiêu thụ nên đầu ra rất ổn định. Để đảm bảo đầu ra trước mắt, các thành viên trong tổ thống nhất mở rộng quy mô hoặc nuôi gối lứa để đảm bảo cung cấp khoảng 3.000 con/tháng tức 36.000 con/năm. Mở rộng quy mô, các hộ vẫn phải đảm bảo diện tích chăn nuôi rộng rãi đáp ứng nhu cầu chạy nhảy, tìm kiếm thức ăn của đàn gà và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật đã đề ra” ông An thông tin.
Việc định hình tiến đến xây dựng thương hiệu gà hữu cơ Hương Thủy là bước đi vững chắc để tiến đến xây dựng thương hiệu gà đồi Hương Thủy như một sản phẩm chủ lực và là sản phẩm OCOP (mỗi xã phường 1 sản phẩm) trong năm 2020.
Phát triển theo vùng
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tại hội nghị nông nghiệp hữu cơ được tổ chức mới đây, Thừa Thiên Huế có rất nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị tiên phong đặt nền móng và khả năng mở rộng mô hình trên địa bàn. Quan trọng nhất hiện nay là xác định được vùng hữu cơ theo từng nhóm cây trồng từ đó có những đầu tư cụ thể cho từng vùng này.
Điều này cũng đang được hiện thực hóa khi trong tháng 11 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản, thủy sản tiến hành lấy mẫu đất nước ở đối với một số vùng sản xuất hữu cơ, như: Phong Điền (vùng trồng bưởi da xanh Phong Xuân); Nam Đông (vùng trồng cam Hương Hòa và vùng trồng chuối Thượng Lộ); A Lưới (vùng trồng chuối Hồng Bắc); Phú Lộc (vùng trồng măng tây Lộc Thủy). Kết quả phân tích cho thấy các mẫu đất, nước này đều đạt tiêu chuẩn xây dựng vùng sản xuất hữu cơ.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản thông tin, kết quả phân tích là cơ sở để ngành nông nghiệp có những định hướng trong xây dựng vùng sản xuất hữu cơ và hướng đến việc cấp chứng nhận hữu cơ organic nhằm tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm nông nghiệp. Năm 2020, chi cục sẽ đầu tư hoàn thiện quy trình, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ cho vùng gạo hữu cơ của HTX An Lỗ, măng tây Phú Lộc và mở rộng cho các vùng hữu cơ khác trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN