Các đại biểu tham gia diễn đàn
Đến dự có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng lãnh đạo các Cục trồng trọt; Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) và đại diện sở, ngành địa phương liên quan.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là mục tiêu hướng đến của nền nông nghiệp các nước nói chung và cũng là tương lai cần đạt được của nền nông nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có sản xuất NNHC với nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với NNHC trên nhiều đối tượng cây trồng vật nuôi.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, hiện có trên 80% doanh nghiệp tham gia vào sản xuất NNHC. Tổ chức sản xuất hữu cơ theo chuỗi phục vụ thị trường trong và ngoài nước, sản phẩm từng bước khẳng định được thương hiệu. Cả nước có hơn 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ với 15 nhà máy công suất lớn có thể kể đến như Quế Lâm, Ajnomoto, Vedan, Thiên sinh…
Hiện nay, trong nước có 2 mô hình sản xuất NNHC là doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Mỹ, Nhật…) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ ở các thành phố lớn. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn PGS và tiêu thụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhận định, sản xuất NNHC vẫn còn nhiều khó khăn do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, thị trường cho sản phẩm NNHC chưa ổn định.
Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như chưa kết nối. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất NNHC còn thiếu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ…là một trong những “trở lực” ảnh hưởng đến phát triển sản xuất NNHC hiện nay.
Tổ hợp dự án chăn nuôi an toàn sinh học 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền)
Do vậy, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai một số giải pháp trong thời gian tới như lựa chọn các sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình NNHC theo chuỗi liên kết giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường đào tạo và hợp tác quốc tế về NNHC; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân, chế phẩm sinh học…
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, nông nghiệp luôn đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, tập đoàn lựa chọn và thực thi song hành, ủng hộ chủ trương của ngành nông nghiệp đưa ra đó là một nền NNHC, nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau và một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.
Năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã khởi công xây dựng Tổ hợp dự án chăn nuôi an toàn sinh học 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền), hướng đến chăn nuôi theo trang trại lớn và cả chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo ra chuỗi nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Đây cũng là bước khởi đầu cho một nền NNHC trên địa bàn tỉnh, một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì phải bỏ đi.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC với mục đích nâng cao chất lượng và giá trị nông sản hữu cơ, tìm kiếm thị trường đầu ra.
Các đại biểu cũng nhất trí về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn trong sản xuất NNHC, cũng như đưa ra nhiều hướng phát triển cho lĩnh vực sản xuất NNHC ở các địa phương là hướng đi tất yếu, bền vững.
Diễn đàn cũng là cơ sở để hiện thực hóa những định hướng phát triển, mở ra hướng đi mới cho ngành NNHC Việt Nam trong tương lai.
Tin, ảnh: Hà Nguyên