Sản xuất gạo hữu cơ tại HTX kinh doanh, dịch vụ NN An Lỗ
Khó tìm thị trường
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, tập trung nhiều ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Tuy nhiên, sản phẩm đang gặp khó khăn khi đưa ra thị trường.
HTX NN Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy) là đơn vị tập trung sản xuất lúa giống, lúa chất lượng với diện tích chiếm khoảng 80% diện tích ruộng lúa canh tác. Hàng năm, đơn vị liên kết với Công ty Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh đưa nhiều giống lúa mới vào khảo nghiệm, sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
Sau nhiều năm đưa vào sản xuất các giống mới, lựa chọn, hiện chỉ có giống lúa chất lượng cao J02 (Nhật Bản) sản xuất 120 ha tại HTX Thủy Thanh là đã có chỗ đứng trên thị trường với tên gọi Gạo Thơm Thủy Thanh.
Theo ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh, các giống KH1, HN6, TBR45 từ năm 2015 HTX NN Thủy Thanh đã đưa vào sản xuất khoảng hơn 50 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất, các giống lúa này bộc lộ nhiều nhược điểm như chỉ thích ứng với từng mùa vụ, xuất hiện sâu bệnh, đổ ngã, năng suất chỉ bằng 70% giống lúa chủ lực (Khang Dân 18). Khi đưa ra thị trường, các thương lái đều áp giá như các loại thóc khác nên các HTX, đơn vị sản xuất đều thua lỗ, dần không đưa vào cơ cấu nữa.
Không chỉ các giống lúa mới, lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ cũng khó tiêu thụ do sản xuất theo mô hình hữu cơ đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, giá lúa cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được triển khai trên diện tích trồng lúa truyền thống tại xã Phong Hiền (Phong Điền) và giao cho HTX kinh doanh, dịch vụ NN An Lỗ thực hiện.
Từ diện tích ban đầu 8 ha/vụ, đến nay, HTX đã phát triển lên 16 ha/vụ, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 40 tấn gạo hữu cơ. Nhiều năm nay, việc sản xuất gạo hữu cơ tại HTX này không thể mở rộng diện tích hơn được do sản phẩm đưa ra thị trường vẫn chưa được đón nhận rộng rãi. Hiện tại, ngoài quầy bày bán tại cửa hàng HTX, đơn vị này có đưa vào TP. Huế bán một số điểm nhưng số lượng không lớn.
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX kinh doanh, dịch vụ NN An Lỗ khẳng định, đơn vị đang sản xuất giống J02 theo quy trình hữu cơ và HTX cũng đã có chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ do cơ quan chức năng cấp.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, gạo hữu cơ của đơn vị khi đưa ra thị trường gặp khó là do giá gạo cao gấp đôi so với gạo sản xuất theo phương thức truyền thống. Sản xuất theo mô hình hữu cơ gặp khó do chi phí đầu vào cao, tốn công nhiều, năng suất, sản lượng thấp nên hạt lúa khi đưa ra thị trường khó cạnh tranh.
Chú trọng khâu quảng bá
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tổ chức, cá nhân, HTX chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa mới như BT7, HG6, J01, J02 được các đơn vị liên kết, trồng theo quy trình hữu cơ.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho rằng, cái khó của các sản phẩm nông sản hữu cơ, chất lượng cao hiện nay là thị trường đầu ra mà một trong những nguyên nhân là do các HTX, các đơn vị liên kết kinh doanh thiếu các điểm bày bán các sản phẩm hữu cơ để giới thiệu đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng khó tìm kiếm các địa điểm bán sản phẩm hữu cơ cũng như người sản xuất khó tiếp cận được thị trường.
Các sản phẩm hữu cơ hiện nay rất thiếu các kênh quảng bá. Dù nhiều sản phẩm có mẫu mã bao bì nhãn hiệu đẹp, chất lượng tốt, nhưng không được HTX, DN chú trọng đến kênh quảng bá. Vì vậy, chất lượng, nguồn gốc, thông tin của sản phẩm, chứng chỉ xuất xứ…người tiêu dùng không có thông tin, liên kết giữa người tiêu dùng, người sản xuất và nơi bày bán không chặt chẽ dẫn đến sản phẩm khó tiếp cận thị trường.
Một nguyên nhân nữa là hiện nay, các HTX, DN, người sản xuất xây dựng theo một quy trình hữu cơ riêng và từ đó sản xuất ra sản phẩm nông sản hữu cơ khác nhau. Mỗi quy trình đều có những giá thành khác nhau ở đầu vào nên đầu ra cũng có giá thành khác nhau.
Ông Khoa đưa ra ví dụ, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt thu mua của người dân ở các HTX Phong Điền 13-15 nghìn/kg gạo; trong khi Tập đoàn Quế Lâm lại thu mua ở Hương Thủy chỉ 6-7 nghìn/kg. Do vậy, giá thành các sản phẩm gạo hữu cơ vô hình trung khó tiếp cận với người tiêu dùng bởi sản phẩm hữu cơ hầu hết là những sản phẩm có giá thành cao và rất ít lượng người tiêu dùng đón nhận và sử dụng thường xuyên.
Thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là bị động trong khâu tìm đầu ra, phụ thuộc thương lái. Việc tổ chức hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là bước đi tất yếu nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm lúa gạo.
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 14 sản phẩm nông sản, trong đó có gạo hữu của công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm, Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt. Do vậy, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân”, ông Khoa nói.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN