Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6/2019 ước đạt 298 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị xuất khẩu là 1,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 73,11% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 1,31 tỷ USD, tăng 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Iceland, Lào, Hồng Kông, Hà Lan.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả thu về hơn 2 tỷ USD (Ảnh minh họa: KT)
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 6/2019 ước đạt 147 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 991 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Với sự kiện Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký kết mới đây, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, đây là cơ hội lớn cho ngành rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, mặt hàng rau quả cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Để có thể thâm nhập và mở rộng thị phần vào những thị trường khó tính, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu rau quả cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước bạn.
Theo VOV