Nuôi bò bán thâm canh giúp người dân có thêm thu nhập
Lợi cả đôi đường
Là một xã có diện tích rừng lớn nhất thị xã Hương Thủy, một thời Dương Hòa là xã có số lượng đàn trâu, bò lớn nhất tỉnh. Trâu, bò được người dân thả vào rừng, có khi vài tháng mới vào thăm một lần. Chính kiểu chăn nuôi phó mặt cho trời đất như vậy, số lượng đàn trâu, bò ở hẳn trong rừng, chết rét rất lớn. Từ khi, lòng hồ Tả Trạch được xây dựng, Dương Hòa chủ trương phát triển kinh tế từ rừng trồng, khiến việc chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã gặp khó.
Trong “cái khó ló cái khôn”, người dân ở xã Dương Hòa đã chuyển sang nuôi bò bán thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì thả bò vào rừng, người dân nơi đây đã đầu tư chuồng trại nuôi nhốt bò, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn dự trữ, ăn dặm cho bò trong mùa rét. Một số hộ dân còn lập tổ nhóm, nuôi nhốt bò chung, luân phiên giữ bò để thuận tiện cho việc chăm sóc. Điển hình là ở tổ nuôi bò bán thâm canh ở thôn Thanh Vân.
Dẫn chúng tôi vào khu chuồng trại nhốt bò của tổ, anh Huỳnh Tấn Thạnh, một thành viên trong tổ nuôi bò thôn Thanh Vân cho biết: Trước đây, đa số các hộ nuôi bò trong thôn đều thả bò vào rừng, có khi cả tháng mới vào thăm đàn bò. Bất kể mùa nắng hay mùa đông. Nhiều lần vào thăm, phát hiện thấy có bò chết, khi đó người dân trong thôn mới thấy việc cần thiết làm chuồng trại. Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân trong thôn thành lập tổ nuôi bò theo hướng bán thâm canh với 5 hộ tham gia. Từ lúc tổ nuôi bò được thành lập, việc chăm sóc đàn bò thuận lợi hơn trước, khi các thành viên trong tổ cùng góp tiền của xây dựng chuồng trại nuôi nhốt bò khép kín.
Anh Thạnh phân tích: Trước đây, ngày nào cũng đi chăn giữ đàn bò 15 con của gia đình, mất công ăn việc làm. Từ lúc tham gia vào tổ nuôi bò, cả tháng, tôi chỉ mất mấy ngày chăn giữ đàn bò khoảng 60 con của các thành viên trong tổ, có thời gian đi làm, kiếm thêm thu nhập. Với đàn bò 15 con, một năm tui cũng kiếm được hơn 60 triệu đồng từ tiền bán bò tơ. Hàng tháng cũng có thêm thu nhập từ việc thu gom phân bò bán cho các chủ vườn trồng tiêu, cây ăn quả ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên. Với giá 40.000 ngàn đồng/bao phân, trung bình một tháng nhóm nuôi bò thôn Thanh Vân kiếm hơn 3 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình
Theo ông La Đành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa, mô hình tổ, nhóm nuôi bò theo hướng bán thâm canh ra đời ở thôn Thanh Vân cách đây gần 3 năm. Nhờ nuôi bò bán thâm canh theo tổ nhóm, nhiều hộ dân giảm được thời gian, công sức, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tập trung chăn giữ một nơi, việc chăm sóc đàn bò lỹ lưỡng hơn, dịch bệnh sớm phát hiện, chữa trị kịp thời.
Hội Nông dân Dương Hòa cũng đang khuyến khích người dân ở các thôn trên địa bàn xã tiếp tục đầu tư nuôi bò theo hướng bán thâm canh để nâng cao thu nhập, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Đa số các hộ nuôi bò trên địa bàn xã Dương Hòa đều có lãi. Ông Đành chia sẻ.
Ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho biết: “Trên địa bàn xã Dương Hoà có khoảng 30 hộ nuôi, với số lượng đàn bò là 366 con. So với trước đây, số lượng đàn bò có giảm, nguyên nhân là do người dân sợ bò phá rừng keo tràm nên bán bớt.
Mô hình nuôi bò bán thâm canh theo tổ nhóm ở thôn Thanh Vân đang tạo ra hiệu ứng tích cực trong người dân. Ở các thôn khác, cũng đã tăng số lượng đàn bò nuôi khi người dân nhận ra lợi ích từ việc nuôi bò bán thâm canh. Tận dụng lợi thế là vùng gò đồi nhiều cỏ, hiện Dương Hòa cũng đã đưa giống bò lai sind về cho người dân nuôi thử nghiệm theo kiểu bán thâm canh. Nếu thành công, nuôi bò lai sind sẽ tạo được sinh kế bền vững cho người dân tại địa phương. Ông Thức cho hay.
Võ Thạnh