Ao hồ nuôi tôm của ông Phước
Ba ao hồ nuôi tôm trên cát ven biển của ông Phước được rào chắn bằng lưới thép, bao phủ xung quanh bằng dương liễu, hạn chế tối đa người và động vật ra vào. Tất cả các quy trình nuôi tôm đều khép kín. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm nói trên, nhiều vụ liên tiếp ông Phước thu lãi trên dưới 1,5 tỷ đồng.
Ông Phước nuôi trên cát từ hơn 10 năm qua, nhưng chỉ một vài vụ đầu có lãi, nhiều vụ sau liên tục xảy ra dịch bệnh, thua lỗ.
Một lần đọc trên báo, thấy mô hình nuôi tôm “nước sạch” của Philippines ít xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, ông Phước tìm tòi, tra cứu trên mạng về kỹ thuật nuôi tôm mới này.
“Mô hình cơ bản không khác mấy so với nuôi tôm trên cát thông thường, quy trình kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, lại hạn chế tối đa chi phí đầu tư”, ông Phước nói.
Thay vì lấy nước từ biển và nguồn nước ngọt trực tiếp đưa vào nuôi thì mô hình mới này phải qua bể lắng. Điều khác là bể lắng này trước khi đưa nước vào ao hồ để nuôi phải thả nuôi cá diêu hồng trong thời gian một tháng (cá diêu hồng được xem là “máy lọc sinh học”, ăn tất cả các tạp chất, côn trùng, làm sạch môi trường nước) mới đưa vào ao nuôi và thả tôm giống.
Sau khi thu hoạch tôm, kết thúc vụ nuôi thì nước trong ao hồ lại được chuyển sang bể lắng (đang nuôi cá diêu hồng), sau đó đưa vào nuôi vụ tiếp theo. Việc tận dụng nguồn nước vụ trước không chỉ giảm chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/vụ) mà còn không thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
Nói về hiệu quả mô hình, ông Phước cho biết: “Tui chỉ nuôi 3 hồ tôm. Năng suất bình quân mỗi hồ thường đạt từ 8-10 tấn. Trừ thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, còn lại hầu như vụ nào cũng có lãi. Vụ lãi cao khoảng 500 triệu đồng/hồ, còn vụ thấp cũng vài trăm triệu đồng. Mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ, nhưng vụ sau tết thường là vụ chính, từ tháng 9 trở đi cũng thích hợp cho nuôi tôm chân trắng, còn vụ hè chỉ nuôi phụ, mật độ thả thấp. Ngoài ra tui còn thu lãi từ cá diêu hồng, mỗi năm vài trăm triệu đồng”.
Ông Phước thừa nhận, trong quá trình nuôi có sử dụng kháng sinh nhưng rất hạn chế, chỉ khi cần thiết, như tôm có dấu hiệu bị dịch. Ngoài ra còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho tôm. Thức ăn hoàn toàn công nghiệp, mua từ các công ty có thương hiệu, uy tín.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận đánh giá cao mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Phước. Chính quyền địa phương đang vận động người dân địa phương học tập mô hình của ông Phước để ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn.
TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản-Trường đại học Nông lâm Huế đánh giá cao mô hình nuôi tôm mới của ông Phước. Khoa đã cử giảng viên, sinh viên nghiên cứu mô hình và xác định hiệu quả của mô hình. Đây là quy trình nuôi mới thích hợp với điều kiện nuôi tôm trên cát không chỉ ở Phú Thuận. Mô hình vừa bền vững, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu mô hình của ông Phước để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, mô hình nuôi tôm chân trắng của ông Nguyễn Phước theo công nghệ của Philippine. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả. Tại Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, lần đầu tiên được ứng dụng chỉ trong vài năm gần đây và đã khẳng định hiệu quả. Sắp đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh…
Theo ông Nguyễn Phước, mỗi ao hồ nuôi thông thường có diện tích 2.000-3.000m2/hồ, mật độ thả nuôi khoảng 300 con tôm chân trắng/m2. Mỗi ao nuôi tôm phải có 3-4 dàn quạt nổi và 1 dàn quạt đáy để tạo Oxy. Mỗi ao lắng nuôi cá hồng có một ao lắng từ 500-1.000m2, mật độ thả nuôi 50 con cá/m2.
Bài, ảnh: Hoàng Triều