ClockChủ Nhật, 14/04/2019 15:02

Ồ ạt khai thác vỏ thông khô để bán

TTH.VN - Tình trạng khai thác vỏ thông khô để bán cho các thương lái trong những ngày qua là điều bất thường. Thậm chí nhiều cây còn sống cũng bị chặt phá để khai thác vỏ khô khiến cây chết.

Những cây thông còn sống cũng bị chặt phá để khai thác vỏ

Ghi nhận tại khu rừng thông của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Hương Thọ (TX. Hương Trà), hằng ngày có đến hàng chục người kéo đến đây khai thác vỏ thông khô. Có những lúc cao điểm có đến gần cả trăm người đến khai thác vỏ thông khô để bán. Không chỉ khai thác vỏ những cây thông già đã chết mà người dân còn lén lút, lợi dụng những lúc vắng chủ rừng, hay đêm khuya cố tình chặt phá những cây thông còn sống, làm cho cây chết dần để khai thác vỏ khô. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Sau khi khai thác tại những cánh rừng, vỏ thông khô được người dân tập kết thành từng bó lớn, chất từng đống dọc trên các tuyến đường chờ thương lái đến thu mua. Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số thương lái cho biết thu mua vỏ thông khô để bán cho những người trồng, nuôi cấy phong lan. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương tiết lộ, việc khai thác vỏ thông trong thời gian qua là để bán cho các thương lái Trung Quốc. Còn họ thu mua với mục đích gì thì đến nay người dân cũng như chính quyền địa phương vẫn chưa rõ.

Cây thông hơn 30 năm tuổi còn sống bị chặt phá lớp vỏ

Giám đốc HTXNN Hương Thọ, ông Lương An thừa nhận, tình trạng khai thác vỏ thông khô để bán cho các thương lái trong những ngày qua tại địa phương là có thật. Các thương lái mua vỏ thông khô với mục đích gì thì HTX không rõ. Sau khi các cây thông khô bị khai thác vỏ đến cạn kiệt, người dân lại dùng “chiêu trò” cạy vỏ, thậm chí chặt những cây còn sống với mục đích làm cho cây chết nhanh để khai thác vỏ khô. Về việc khai thác vỏ thông khô ở những cây đã chết thì HTXNN Hương Thọ không có cơ sở để xử lý người dân.

Riêng đối với những cây thông còn sống bị người dân lén lút, dùng dao, rựa chặt vào đêm khuya, lúc vắng chủ rừng nên khó phát hiện để ngăn chặn. Đây là vấn đề hết sức nan giải, gây khó khăn đối với HTX trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. HTX đang phối hơp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn  thống kế số cây thông sống bị chặt phá, đồng thời tìm hiểu, điều tra các hộ vi phạm để xử lý.

Vỏ thông chất từng đống bên đường chờ thương lái thu mua

Theo tìm hiểu, người dân khai thác vỏ thông khô bán cho thương lái với giá từ 1.500-1.800 đồng/kg. Nhiều hộ khai thác hàng tấn vỏ thông, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân “bất chấp” trong việc khai thác vỏ thông, dù là những cây vẫn còn sống, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, gây bức xúc trong Nhân dân.

Ông Lương An thông tin, HTXNN Hương Thọ đang quản lý khoảng 150 ha rừng thông đều có từ hơn 30 năm tuổi, thuộc dự án PAM 2780 (trồng vào các năm 1987-1988). Nhiều diện tích đang bị các loại sâu bệnh hoành hành, khiến lớp vỏ bị khô, cây có hiện tượng chết dần. Trước thực trạng người dân ồ ạt khai thác vỏ thông khô để bán, trong đó có những cây còn sống bị chặt phá, những ngày này, HTXNN Hương Thọ bố trí lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, giám sát tại các khu rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng trái phép. HTX sẽ báo cáo thực trạng này với chính quyền địa phương, các đơn vị kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc khai thác vỏ thông khô để bán trong thời gian qua tại HTXNN Hương Thọ là điều bất thường, chưa từng có tiền lệ. Trong đó nhiều cây thông còn sống bị người dân chặt phá để lấy vỏ là vi phạm quy định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các diện tích bị chặt phá thuộc quyền quản lý, trách nhiệm bảo vệ của HTXNN Hương Thọ. Chi cục Kiểm lâm đang phối hợp với HTXNN Hương Thọ, chính quyền địa phương rà soát số cây bị chặt phá và có biện pháp xử lý trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Return to top