Cây mắc ca trồng ở xã Quảng Nhâm (A Lưới)
Tại buổi tập huấn, GS. Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ, giá trị kinh tế, điều kiện thích hợp cho sự phát triển cây trồng mắc ca. Đồng thời đã trả lời, giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật cần lưu ý trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch loài cây này.
Ngoài ra, các chuyên viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đã giới về thị trường cây mắc ca, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn với các hộ dân đã trồng mắc ca được một thời gian, công tác bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn, địa chỉ về các vườn ươm cây giống mắc ca có uy tín, chất lượng; một số định hướng phát triển cây trồng mắc ca tại Việt Nam.
Qua chương trình tập huấn sẽ cung cấp cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các hộ nông dân trên địa bàn có nhu cầu đăng ký trồng cây mắc ca về những thông tin cụ thể, chính xác về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đầu ra sản phẩm và hiệu quả kinh tế của cây trồng này.
Trước đó, huyện A Lưới đã triển khai đưa vào trồng thử nghiệm cây mắc ca tại xã Quảng Nhâm và cây đã phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện đang tích cực đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất sử dụng đất trên đơn vị canh tác, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Ngoài những cây trồng chủ lực và tiềm năng như: ngô sinh khối, chuối già lùn, lúa ra dư…, địa phương đang triển khai đưa vào trồng nhiều loại cây trồng mới như cây mắc ca, dược liệu, sâm bố chính cho hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã phối hợp với nhau để hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu và quy hoạch vùng trồng cây mắc ca.
Tin, ảnh: Hà Nguyên